Cho đến tận bây giờ, mỗi dịp đất nước sang xuân đón Tết hay những sự kiện chính trị trọng đại thì trên truyền hình, phát thanh hoặc nhạc hội đều vang lên lời ca thân quen: "Việt Nam đất nước bên bờ sóng. Bão tố của cuộc đời tròn niềm tin thiêng liêng. Việt Nam đất nước bao trận đánh"… Đó chính là lời bài hát nổi tiếng một thời có tên "Đất nước bên bờ sóng" của nhạc sĩ Thái Văn Hóa.
Cho đến tận bây giờ, mỗi dịp đất nước sang xuân đón Tết hay những sự kiện chính trị trọng đại thì trên truyền hình, phát thanh hoặc nhạc hội đều vang lên lời ca thân quen: “Việt Nam đất nước bên bờ sóng. Bão tố của cuộc đời tròn niềm tin thiêng liêng. Việt Nam đất nước bao trận đánh”… Đó chính là lời bài hát nổi tiếng một thời có tên “Đất nước bên bờ sóng” của nhạc sĩ Thái Văn Hóa. Cho đến hôm nay, mỗi khi nghe lại lời ca thánh thót vút cao đầy tự hào, công chúng vẫn cảm thấy lâng lâng tự hào cảm xúc về Tổ quốc và dân tộc Việt Nam. Đó chính là sự kỳ diệu của âm nhạc, trong đó có bài hát “Đất nước bên bờ sóng”.
Cùng với “Giai điệu Tổ quốc”(Trần Tiến), “Đất nước lời ru” (Văn Thành Nho), “Đất nước tình yêu” (Lệ Giang), “Đất nước” (Phạm Minh Tuấn - Tạ Hữu Yên), “Ta tự hào đi lên ơi Việt Nam” (Chu Minh - Hoàng Trung Thông)… thì “Đất nước bên bờ sóng” của Thái Văn Hóa thực sự ấn tượng riêng biệt làm cho tác giả và ca khúc sống mãi với thời gian mặc dù đã gần 40 năm trôi qua.
Chàng tân binh 21 tuổi Thái Văn Hóa vào thời điểm năm 1979, 1980 đã trào dâng một cảm xúc dạt dào cháy bỏng để anh viết dòng lời ca như tận đáy lòng: “Khi còn trong nôi, nghe mẹ ru cha đánh giặc cuối trời, khi ta cầm súng ra đi. Người thân thao thức cùng sao trời. Ôi đất nước thân yêu bao thế hệ lên đường”, bởi thời điểm này là chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc. Thái Văn Hóa kể lại, chứng kiến những binh đoàn tiến lên biên giới bảo vệ Tổ quốc anh vừa thấy tự hào vừa thấy thiêng liêng, nhưng đúng như lời bài hát, mỗi bước chân của người lính ra trận để lại biết bao nhiêu “người thân thức cùng sao trời!”, rất ngậm ngùi nhưng Tổ quốc là tất cả. Khi viết xong, anh đưa bản nhạc cho đoàn ca nhạc quân khu dựng với giọng ca trẻ Xuân Thanh. Tuy nhiên, chỉ đến khi gửi tới Đài Tiếng nói Việt Nam qua sự dàn dựng phối khí của nhạc sĩ Phú Quang và giọng nữ cao dân tộc Tày Ma Bích Việt (NSƯT Bích Việt) biểu diễn thì đúng là chấn động công chúng yêu nhạc. Có nhiều cựu binh sau này kể lại, ở trên các điểm tựa, chốt cao nơi đỉnh núi miền biên giới, mỗi khi đất nước sang xuân, mở đài nghe “Đất nước bên bờ sóng” thấy tự hào tới trào nước mắt như nghe lời động viên của người mẹ, người vợ, người yêu ở “cuối sông Hồng”. Đúng như thế, ngay từ khi bài hát âm vang trên sóng điện phát thanh truyền hình thì cái tên Thái Văn Hóa đã trở thành thân quen, mặc dù chàng bộ đội 21 tuổi chỉ mới võ vẽ ít kiến thức về nhạc! Thái Văn Hóa sau này trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp, làm công tác liên quan tới âm nhạc của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội nhưng không có ca khúc nào vượt qua được “Đất nước bên bờ sóng”. Đúng là những khoảnh khắc lịch sử sẽ tạo những cảm xúc duy nhất, tạo nên kiệt tác về nghệ thuật.
Giá trị của bài hát “Đất nước bên bờ sóng” ở chỗ dù là tráng ca nhưng giai điệu rất giản dị như lời ru của mẹ, lời nói của cha lại mang âm hưởng hùng khí núi sông Tổ quốc và niềm tự hào của 4.000 năm đánh giặc và chiến thắng của dân tộc. Cho đến hôm nay, mỗi “khi xuân về nắng đưa hương, lòng ta muôn lần nhớ Người”. Đó là Bác Hồ - Tổ quốc.
Dương Trang Hương