Mùa đông, gió thổi ràn rạt trên mái nhà, thổi tơi bời những gốc rạ mọc chét (mầm lúa nảy lên từ gốc lúa đã gặt). Mùa này ra đồng rất lạnh, mẹ bảo nếu thấy lạnh quá thì nhốt bò. Tin đó đáng lẽ sẽ rất vui nhưng tôi vẫn lùa bò đi. Trẻ con sợ gì lạnh. Mùa này ra đồng mới thú. Đồng có nước, những đứa trẻ chăn bò có bao chuyện để làm. Đứa đắp bờ tát nước bắt cá, đứa cầm thúng đi cắt lúa chét trổ những bông lúa lơ thơ, còn tôi đeo cái giỏ bên hông đi bắt cua.
Mùa đông, gió thổi ràn rạt trên mái nhà, thổi tơi bời những gốc rạ mọc chét (mầm lúa nảy lên từ gốc lúa đã gặt). Mùa này ra đồng rất lạnh, mẹ bảo nếu thấy lạnh quá thì nhốt bò. Tin đó đáng lẽ sẽ rất vui nhưng tôi vẫn lùa bò đi. Trẻ con sợ gì lạnh. Mùa này ra đồng mới thú. Đồng có nước, những đứa trẻ chăn bò có bao chuyện để làm. Đứa đắp bờ tát nước bắt cá, đứa cầm thúng đi cắt lúa chét trổ những bông lúa lơ thơ, còn tôi đeo cái giỏ bên hông đi bắt cua.
Bắt cua là chuyện không dễ với một đứa sợ rắn, sợ đỉa như tôi. Khổ nỗi, muốn túm được những con cua thì phải lội xuống những đám ruộng rộc (thấp). Ở đó có nhiều hang cua nhưng cũng có nhiều đỉa. Sợ vẫn đi lùng đi bắt, lý do thèm món canh đu đủ nấu cua. Đu đủ - đã có sẵn ba cây sau hè lúc lỉu trái rồi, giờ chỉ còn chịu khó lội ruộng bắt cua nữa thì sẽ có món canh hảo hạng cho mùa đông.
Vâng, món canh đu đủ nấu cua là món ăn ngon nhất trong ký ức tuổi thơ tôi. Món này, nếu nấu theo kiểu của mẹ rất dễ, không công phu, cầu kỳ nhưng với chị em tôi, nó đặc biệt ngon. Đu đủ phải lựa trái thật già, ruột đã ửng vàng, gọt vỏ, băm sợi nhỏ. Cua đem về ngâm trong nước cho sạch sẽ rồi tách mai, giữ lại những cái càng to, còn lại đem bỏ vào cối giã nát, lược lấy nước nấu canh. Khi nước sôi (bỏ cái càng to vào) , thịt cua sẽ kết lại thành tảng, thêm đu đủ đã băm vào chờ chín tới rồi nêm nếm. À, canh đu đủ sẽ ngon hơn khi nêm với lá gừng. Chỉ là gia vị nhưng rất quan trọng, thiếu lá gừng, nồi canh chỉ còn ngon phân nửa.
Hồi đó, hôm nào nhà có món canh đu đủ nấu cua thì hôm đó sẽ có tiết mục vét nồi. Phải nói ngon cực. Trời đang lạnh nhưng bữa cơm ấm nồng. Mở nắp ra, mùi cơm chín quyện với mùi thơm khó cưỡng của lá gừng, riêu cua và vị mềm, ngọt mát của đu đủ chuyển màu tạo nên hương vị rất đặc biệt, rất đồng quê. Bé Út thường trầm trồ “ngon khủng khiếp!”. Xong nồi cơm đến tiết mục ăn càng cua. Cái to nhất của bé Út, phần còn lại của tôi và chị kế. Luôn luôn như vậy, chỉ ba đứa nhỏ nhất nhà mới được hút thứ nước thơm ngọt từ càng cua và đập vỡ càng, rút ra một miếng thịt trắng tinh, thơm ngọt. Vừa ăn vừa khen, ăn rồi lại muốn ăn nữa nên sau bữa cơm đó, tôi nảy ra ý nghĩ ra đồng bắt cua tiếp.
***
Tôi cũng không nhớ lần cuối cùng mình được ăn món canh cua nấu đu đủ nêm lá gừng là khi nào, chắc chắn rất lâu rồi, từ lúc tôi không còn đeo cái giỏ ra đồng lội ruộng bắt cua nữa. Nhưng kỳ lạ, từ ngày rời làng đi học cho đến bây giờ, đã hơn nửa đời người nhưng vị thơm ngọt từ món canh đu đủ nấu cua của mẹ luôn ám ảnh tâm thức. Mùa mưa, tôi thường lặng nhìn ra cánh đồng mịt mù, thấy bóng mình lom khom đưa tay thọc vào hang cua rồi khóc la oai oái khi kéo ra một con rắn nước. Nhớ hơn nữa cái lần giành càng cua to với bé Út. Tôi khóc thút thít, nói trong ấm ức: Người ta bị cua kẹp, ngón tay chảy máu mà lúc nào cũng ăn càng nhỏ. Bé Út nghe chị giãi bày liền lấy cái càng to bỏ qua chén tôi rồi nói: Bé ớn càng lớn rồi. Cả nhà nghe vậy đều không nhịn được cười.
Từ đó cho tới bây giờ, hễ nhìn thấy ở đâu đó có thứ gì liên quan đến cua hay mùa đông, tôi liền nhớ lại bữa cơm rộn tiếng cười hôm đó…
Nguyễn Thị Bích Nhàn