11:12, 15/12/2020

Giữ nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Trước nguy cơ mai một những giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy đã được thực hiện, góp phần gìn giữ nét đẹp, bản sắc văn hóa của đồng bào.

Trước nguy cơ mai một những giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy đã được thực hiện, góp phần gìn giữ nét đẹp, bản sắc văn hóa của đồng bào.


Những tín hiệu vui


Tại triển lãm Du lịch qua các miền di sản văn hóa (DSVH) Việt Nam năm 2020 diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 11, Khánh Hòa là một trong số ít địa phương được bố trí không gian riêng để giới thiệu nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào Ê Đê. Trong lần đầu đến thủ đô, những người con Ê Đê từ núi rừng Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) đã rất tự hào khi được dẫn dắt khán giả hòa vào không khí của buổi lễ cúng bến nước linh thiêng. “Được thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào mình cho khán giả ở Hà Nội xem, mỗi người trong đoàn đều rất vui. Qua đây, chúng tôi càng tin tưởng và cố gắng nhiều hơn để giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”, chị H’Quyên M’Lô (thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây) cho biết.

 

Đồng bào Ê Đê ở xã Ninh Tây biểu diễn hòa tấu nhạc cụ cồng chiêng.

Đồng bào Ê Đê ở xã Ninh Tây biểu diễn hòa tấu nhạc cụ cồng chiêng.


Thành quả nhỏ này là minh chứng cho sự quan tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp và ngành Văn hóa tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đồng bào DTTS. Những năm qua, rất nhiều chính sách, đề án, dự án liên quan đến văn hóa phi vật thể của các DTTS đã được triển khai thực hiện. Để đến hôm nay, lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa, lễ bỏ mả của người Raglai đã được công nhận là DSVH quốc gia. Những lễ hội truyền thống khác của đồng bào các DTTS như: Lễ ăn đầu lúa mới của người Raglai; lễ đền ơn đáp nghĩa, lễ cúng bến nước của người Ê Đê; nghi lễ cưới hỏi của người T’rin… đã được giữ gìn và thực hành trong đời sống người dân. Qua 10 năm (2010 - 2020) thực hiện lập hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể, toàn tỉnh đã lập được hơn 3.599 hồ sơ. Trong đó, có 11 hồ sơ là DSVH, lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 4 người dân tộc Raglai được Chính phủ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc trang bị nhạc cụ mã la cho 85 thôn, tổ dân phố phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai.


Nâng cao hiệu quả


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thực hiện công tác bảo tồn và phát huy DSVH phi vật thể của đồng bào DTTS, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, đầy đủ, sâu sát về nội dung này. Trong đó, có nhiều đề án, dự án quan trọng như: Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH truyền thống điển hình của các DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; dự án Kiểm kê DSVH truyền thống điển hình của 3 dân tộc thiểu số Raglai, Ê Đê, T’rin trên địa bàn tỉnh; dự án Sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH truyền thống điển hình của 3 DTTS Raglai, Ê Đê, T’rin trên địa bàn tỉnh; đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030...


Việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ cũng diễn ra định kỳ với quy mô khác nhau. Ở cấp tỉnh có sự kiện Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam được luân phiên tổ chức ở các địa phương. Các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ xây dựng chương trình, tổ chức phong trào văn hóa văn nghệ. “Nhìn chung, công tác bảo tồn và phát huy DSVH phi vật thể của đồng bào DTTS đã đạt nhiều kết quả khả quan. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ. Đồng bào DTTS có sự đồng thuận, nhất trí cao. Tuy nhiên, ý thức tự giác của đồng bào DTTS trong việc gìn giữ, phát huy giá trị DSVH phi vật thể chưa cao. Đời sống kinh tế của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động này còn hạn chế”, ông Lê Văn Hoa cho biết.


Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể đồng bào DTTS, ngành Văn hóa mong muốn nhận được sự quan tâm hơn đến việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc. Đồng thời, tiếp tục nhận được sự đầu tư nguồn lực phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể của đồng bào các dân tộc gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới.


Giang Đình