Trong kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam có hàng nghìn ca khúc hay nhưng những bản song ca thì không nhiều so với những bản nhạc đơn ca hay tốp ca. Chính cách thể hiện đặc sắc này làm cho các bản song ca có âm hưởng vượt trội so với đơn ca, đó chính là sự giao duyên gợi mở của cảm xúc âm nhạc.
Trong kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam có hàng nghìn ca khúc hay nhưng những bản song ca thì không nhiều so với những bản nhạc đơn ca hay tốp ca. Chính cách thể hiện đặc sắc này làm cho các bản song ca có âm hưởng vượt trội so với đơn ca, đó chính là sự giao duyên gợi mở của cảm xúc âm nhạc.
Có lẽ bản nhạc song ca nổi tiếng mang âm hưởng dân ca miền Tây Bắc đầu thập niên 60 được công chúng tán thưởng chính là “Trước ngày hội bắn” của nhạc sĩ Trịnh Quý. Đây là bản giao duyên của đôi trai gái người Mông chuẩn bị đi thi bắn trong ngày hội của bản làng. Đó cũng là tâm trạng của đồng bào miền núi cao với đời sống mới kể từ khi có Đảng! Bản thu âm đầu tiên và nổi tiếng trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam chính là tác giả và ca sĩ Lê Hằng. Dù cả hai chỉ là ca sĩ địa phương nhưng ấn tượng về nét nguyên bản hoang sơ của núi rừng như đúng nội dung bài hát. Sau này, nhiều người hát vào những dịp lễ hội miền Tây Bắc như Anh Thơ - Việt Hoàn hay với Trọng Tấn thì bản nhạc càng hay hơn, mới mẻ hơn.
Cho đến bây giờ, “Tình ca Tây Bắc” của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh là bản nhạc đỉnh cao của bản song ca. Bài hát được hai giọng ca vàng nổi tiếng hàng đầu từ thập niên 70 là Kiều Hưng và Thanh Huyền thể hiện, sau này Thu Hiền biểu diễn cùng Kiều Hưng cũng vô cùng đặc sắc. Đúng như tên gọi, “Tình ca Tây Bắc” với giai điệu mượt mà trữ tình thấm đẫm hương vị núi rừng miền Tây Bắc, lời ca càng mang vọng vị bản địa trên nền nhạc mới làm cho bản nhạc trở nên bất hủ.
Trong hàng trăm ca khúc cách mạng có bản nhạc nổi tiếng “Rặng trâm bầu” của nhạc sĩ Thái Cơ. Vào những năm chiến đấu chống Mỹ, nhạc sĩ Thái Cơ (vốn là người Thái Bình) tình cờ nghe kể về tên một loài cây ở đồng bằng Nam Bộ có tên là trâm bầu! Nhạc sĩ rất cảm hứng, nâng tầm khái quát về ý chí khát vọng cùng lòng dũng cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam chống giặc. Ông viết bản nhạc trữ tình nhưng không phải là tình ca đôi lứa, vậy mà giai điệu bài hát quá mượt mà, quá dào dạt như tình cảm của con người với mảnh đất quê hương. Kiều Hưng với Thanh Huyền biểu diễn thành bản tình ca cách mạng nổi tiếng bậc nhất suốt thập niên 70, sau này có thêm Thu Hiền biểu diễn. Kiều Hưng xứng đáng là nam danh ca số 1 chuyên hát song ca với những nữ ca sĩ nổi tiếng và bài nào ông tham gia đều vang mãi với thời gian sau này như với Lê Dung có “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” (Đoàn Bổng), với Thu Hiền có “Người đi xây hồ kẻ gỗ”, với Thu Phương có “Đường lên Tây Bắc”…
“Gửi em ở cuối sông Hồng” (Thuận Yến) ra đời trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc với giọng ca Tiến Thành và Thanh Hoa. Đây thực sự là bản nhạc trữ tình đặc sắc thời mới với âm hưởng da diết, yêu thương và tự hào. Ngoài ra còn có một số bản song ca rất hay như: “Tình ta biển bạc đồng xanh” (Hoàng Sông Hương) do Phan Huấn - Tuyết Thanh thể hiện, “Tháng ba Tây Nguyên” (Văn Thắng) Tường Vi - Trọng Hinh thể hiện, “Nắng ấm quê hương” (Vĩnh An) do Trung Đức - Thu Hiền thể hiện. Riêng Trung Đức với Thu Hiền, dù sự kết hợp hai giọng ca trữ tình này hơi muộn so với những ca sĩ khác nhưng trở thành một nét riêng, tạo ấn tượng đặc biệt cho công chúng yêu nhạc cách mạng trên thị trường băng nhạc thập niên 90.
Làm nên âm hưởng đặc sắc của những bản song ca đó phải nhắc đến những giọng ca trữ tình, đặc biệt ở mặt biểu diễn. Ngoài các cặp nổi tiếng: Kiều Hưng - Thanh Huyền, Kiều Hưng - Lê Dung, Kiều Hưng - Thu Hiền, còn có thêm Tiến Thành - Thanh Hoa, Tiến Thành - Lê Dung, Trung Đức - Thu Hiền, sau này có cặp Trọng Tấn - Anh Thơ, Lê Anh Dũng - Phương Thảo… Chính họ đã làm cho các bản nhạc đậm chất tình ca bay bổng cho đến tận hôm nay.
Dương Trang Hương