Thư viện bang New South Wales, thư viện lâu đời nhất ở Australia nằm ở trung tâm thành phố Sydney, hiện đang lưu giữ một bộ sưu tập tranh áp phích nghệ thuật Việt Nam rất có giá trị.
Thư viện bang New South Wales, thư viện lâu đời nhất ở Australia nằm ở trung tâm thành phố Sydney, hiện đang lưu giữ một bộ sưu tập tranh áp phích nghệ thuật Việt Nam rất có giá trị.
Thư viện bang New South Wales, thư viện lâu đời nhất ở Australia nằm ở trung tâm thành phố Sydney, hiện đang lưu giữ một bộ sưu tập tranh áp phích nghệ thuật Việt Nam rất có giá trị, do những người bạn Australia yêu Việt Nam sưu tầm cách đây hơn một nửa thế kỷ.
Theo trang thông tin của Thư viện bang New South Wales, năm 1956, hai vợ chồng nhà văn người Australia Mona Brand (1915-2007) và Len Fox quyết định sang Việt Nam để dạy tiếng Anh cho cán bộ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo sự giới thiệu của nhà báo nổi tiếng Wilfred Burchett.
Bên cạnh công việc hàng ngày ở Việt Nam trong khoảng hai năm (1956-1957), hai ông bà đã viết và xuất bản một số cuốn sách về quãng thời gian sống ở đây, bao gồm hai cuốn có tên là "Chung của Việt Nam" (1957) và "Việt Nam Thân thiện" (1958) của ông Fox và "Những người con gái Việt Nam" (1958) của bà Brand. Thư viện bang New South Wales hiện vẫn đang lưu giữ những cuốn sách này.
Tuy nhiên, Thư viện bang New South Wales hiện còn một di sản có giá trị nữa của quãng thời gian hai ông bà sống ở Hà Nội, đó là một bộ sưu tập, gồm 68 tranh áp phích nghệ thuật, được phát hành ở Việt Nam từ những năm 1952-1961.
Hầu hết các tranh này đều được in thương mại và bán với giá rẻ, và những tác phẩm này có lẽ đã được hai vợ chồng nhà văn người Australia rất thích vì có những vết ố vàng trên các góc của nhiều tấm áp phích do được dán lên tường.
Nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập được vẽ bởi các họa sĩ đương thời, những người đã được học về nghệ thuật phương Tây và bắt đầu đóng góp vào phong cách nghệ thuật hiện đại của Việt Nam, về các sinh hoạt xã hội và làng quê Việt Nam. Nhưng cũng có những tác phẩm nghệ thuật dân gian phổ biến được sản xuất bởi các nghệ nhân Hà Nội và các làng xung quanh, như bộ tranh hổ của phố Hàng Trống, nơi hai ông bà Brand và Fox có lẽ thường đi dạo qua.
Ngoài ra, còn có một số tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ duyên dáng với hình các chú gà, lợn, ếch, cá và các loài vật khác, biểu tượng của những lời chúc tốt đẹp trong ngày Tết như an khang, thịnh vượng và may mắn.
Bộ sưu tập cũng có những tấm áp phích cổ động giàu cảm xúc, kêu gọi người dân tham gia kháng chiến cứu nước, lao động sản xuất, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam.
Có thể thấy, những cuốn sách về Việt Nam và bộ sưu tập tranh áp phích nói trên của hai vợ chồng nhà văn Australia thể hiện tình cảm sâu sắc của hai ông bà, cả hai lúc đó đều là những đảng viên tích cực của Đảng Cộng sản Australia, đối với chính phủ mới thành lập ở miền Bắc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như đối với đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam.
Trong cuốn tự truyện xuất bản năm 1995, bà Brand cũng đã chia sẻ sự ngưỡng mộ sâu sắc khi gặp lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ông chào chúng tôi nồng nhiệt bằng tiếng Anh, và hỏi thăm, là người Australia, hai bạn có thấy thời tiết ở đây lạnh quá không?”.
Theo vietnamplus.vn