Ngày 19-5 năm nay, cả nước kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng chúng ta cũng không quên ngày này cách đây 61 năm trước là ngày con đường Trường Sơn huyền thoại ra đời (19-5-1959).
Ngày 19-5 năm nay, cả nước kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng chúng ta cũng không quên ngày này cách đây 61 năm trước là ngày con đường Trường Sơn huyền thoại ra đời (19-5-1959).
Với yêu cầu cấp bách và tầm quan trọng trong việc vận chuyển quân lương, vũ khí, khí tài… vào chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước, ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 559 xây dựng tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn trên bộ và trên biển. Ngày 13-8-1959, tại Khe Hó (thung lũng nằm phía Tây Vĩnh Linh) là địa điểm xuất phát đầu tiên vượt Trường Sơn sau 8 ngày gian khổ, khốc liệt… qua mắt địch, chuyến hàng đã đến chiến trường Trị Thiên, đánh dấu mốc son quan trọng của Đoàn 559. Con đường Trường Sơn huyền thoại ngày càng được phát triển rộng khắp trong dãy Trường Sơn. Nhà báo Jacques C.Despuech đã từng viết: “Con đường mòn ấy, con đường ra tiền tuyến dài hàng chục nghìn kilômét bị trọng pháo, bom phá tạo thành các núi lửa khổng lồ suốt ngày đêm. Vậy mà con đường ấy vẫn như mạng nhện muôn ngả, thực sự trở thành công cụ trọng yếu duy nhất trong lịch sử tiếp vận quân sự Việt Nam. Con đường mòn ấy không chỉ là vật thể mà nó là con đường dân tộc, con đường của tâm linh, nên có sức bền vững diệu kỳ...”.
Con đường biểu tượng ấy được Bộ Bưu chính Việt Nam tái hiện qua bộ tem “Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn”, phát hành ngày 19-5-2009, do họa sĩ Vũ Kim Liên thiết kế. Bộ tem có 1 mẫu, giá mặt 2.000 đồng, ghi lại hình ảnh gian khổ, ác liệt của bộ đội, thanh niên xung phong trải qua trên tuyến đường Trường Sơn để tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp giải phóng đất nước.
Một nhà báo nước ngoài đã nhận xét: “…Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ là con đường tiếp tế mà còn là biểu tượng của chiến tranh Việt Nam…”. Đúng vậy, “đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh” luôn là niềm tự hào và sống mãi trong ký ức của những ai đã từng tham gia nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.
Ngụy Như Ánh