"Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba", câu ca đã in sâu vào tâm trí người dân đất Việt bao đời. Ở Nha Trang - Khánh Hòa, người dân đã cụ thể tình cảm của mình bằng công trình đền Hùng Vương (số 173 đường Ngô Gia Tự, thành phố Nha Trang). Đây là một trong ít địa phương ở miền Nam sớm xây dựng đền thờ Vua Hùng.
“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”, câu ca đã in sâu vào tâm trí người dân đất Việt bao đời. Ở Nha Trang - Khánh Hòa, người dân đã cụ thể tình cảm của mình bằng công trình đền Hùng Vương (số 173 đường Ngô Gia Tự, TP. Nha Trang). Đây là một trong ít địa phương ở miền Nam sớm xây dựng đền thờ Vua Hùng.
Theo ông Trần Quốc Trịnh - Trưởng Ban quản lý di tích đền Hùng Vương, công trình này được xây dựng từ sự quyên góp, ủng hộ của người dân Nha Trang trong suốt 2 năm từ 1969 đến 1971. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ngay trong những tháng ngày đất nước còn chiến tranh, chia cắt, người dân Nha Trang - Khánh Hòa đã đồng lòng, hiệp ý để làm nên một công trình ý nghĩa với tổ tiên và lưu truyền cho con cháu mai sau. Đền được xây dựng đến ngày 26-5-1973 thì khánh thành. Buổi lễ được tổ chức trang trọng với những nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc.
Kể từ đó đến nay, đền Hùng Vương trở thành nơi tìm về dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào mỗi dịp giỗ Quốc Tổ. Không chỉ có người dân Nha Trang - Khánh Hòa, người ở các địa phương khác trong khu vực và du khách cũng tụ hội về đây để hướng tâm lên tổ tiên dân tộc. Lễ dâng hương tưởng niệm Vua Hùng ở đây được tổ chức với quy mô cấp tỉnh do lãnh đạo tỉnh trực tiếp làm chủ lễ. Năm nay, do tình hình dịch bệnh nên việc tổ chức lễ tưởng niệm tạm ngừng. “Tuy vậy, chúng tôi vẫn tổ chức trang trí khu vực đền bằng cờ hội, biểu ngữ có nội dung về ngày giỗ Tổ. Nghi thức, lễ phẩm dùng để tế lễ Quốc Tổ cũng được thực hiện theo đúng truyền thống. Ngoài ra, còn tổ chức tiếp nhận vật phẩm từ các tổ chức, cá nhân”, ông Trịnh cho biết.
Đã là con dân đất Việt, ai ai không hướng lòng mình về nơi đất Tổ, dẫu khoảng cách địa lý có xa nhưng tình cảm vẫn luôn gần gũi. Có dịp trò chuyện với một số thành viên trong Hội đồng hương đất Tổ Hùng Vương tại Khánh Hòa, chúng tôi lại càng hiểu hơn tâm tình đó. Hội hiện có khoảng 1.000 hội viên, sinh hoạt ở 9 chi hội. Trong đó, tại TP. Nha Trang có 6 chi hội. Các thành viên của hội đều có nguồn gốc ở hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Rời quê hương vào Nha Trang - Khánh Hòa sinh sống, làm việc nhưng tận sâu trong trái tim mỗi người vẫn luôn đau đáu về quê hương. “Chúng tôi tự hào được sinh ra, lớn lên trên vùng đất Tổ linh thiêng nên mỗi năm đến ngày giỗ Quốc Tổ, dù có bận rộn gì thì vẫn cố gắng thu xếp để gặp mặt, thành lập đoàn đến dâng hương tưởng niệm ở đền Hùng Vương. Đây cũng là cách để chúng tôi giáo dục con cháu trong gia đình biết về quê cha đất tổ, về cội nguồn dân tộc. Năm nay, do điều kiện không cho phép, nhưng chúng tôi vẫn gửi lễ phẩm và thành kính hướng lòng mình về với Quốc Tổ”, bà Thang Thị Bích Hằng - Thư ký Hội đồng hương đất Tổ Hùng Vương tại Khánh Hòa cho biết.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, lễ tưởng niệm giỗ tổ hàng năm đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân Nha Trang - Khánh Hòa từ bao năm nay. Đây là dịp để mọi người cùng ôn lại nguồn gốc dân tộc, thắt chặt hơn khối đại đoàn kết dân tộc. Mặc dù năm nay, quy mô các hoạt động tưởng niệm phải thu hẹp lại và giao cho Ban quản lý di tích đền Hùng Vương thực hiện, nhưng tình cảm, tinh thần hướng về nguồn cội trong mỗi người vẫn luôn ngời sáng.
NHÂN TÂM