UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện bảo tồn và phát huy trang phục các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đây là việc làm cần thiết, nhưng để triển khai hiệu quả là cả một câu chuyện nhiều khó khăn trước mắt.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện bảo tồn và phát huy trang phục các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Đây là việc làm cần thiết, nhưng để triển khai hiệu quả là cả một câu chuyện nhiều khó khăn trước mắt.
Đã nhiều mai một
Lâu nay, khi nói chuyện trang phục của đồng bào các DTTS, nhất là với người Raglai, nhiều người không khỏi băn khoăn, bởi việc truy tìm nguồn gốc cái mặc của bà con là điều rất khó. Cách đây mấy chục năm, những người tâm huyết với văn hóa Raglai ở Khánh Hòa đã cố gắng đi tìm trang phục truyền thống của đồng bào Raglai. Vậy nhưng, trong nhiều công trình nghiên cứu cấp nhà nước, cấp tỉnh, các tác giả cũng đành ghi lại: Chưa tìm thấy y phục cổ truyền của người Raglai... “Tôi từng đi cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sang để tìm kiếm về trang phục truyền thống của đồng bào Raglai. Dù có những manh mối nhưng rất khó để hình dung được kiểu cách, màu sắc, họa tiết như thế nào. Trang phục của đồng bào đang mặc như chúng ta vẫn thấy hoàn toàn theo sở thích của đồng bào, chứ không theo một quy chuẩn nào”, Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến cho biết.
Có dịp đến các thôn có người Raglai sinh sống hay tham gia những lễ hội của đồng bào, chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này. Trang phục thường ngày của phụ nữ Raglai là váy dài màu đen, áo mặc theo kiểu của người Kinh; đàn ông mặc trang phục như của người Kinh. Khi tham gia các lễ hội, đồng bào Raglai mặc những bộ trang phục mang hơi hướng cổ xưa. Phụ nữ mặc áo khoang với hai màu chính là đen và trắng, cổ áo hơi tròn, hai ống tay áo dài tới giữa cẳng tay, váy màu đen hoặc màu xanh đậm, dưới gấu váy thêu một vòng hoa văn; đàn ông mặc khố và áo khoang với nhiều vòng đen - trắng xen nhau liên tục. Tuy nhiên, vẫn có một số bộ trang phục được điểm xuyết màu mè cho nổi bật.
Về cơ bản là thế, nhưng giữa người Raglai ở huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, TP. Cam Ranh trang phục cũng khác nhau rất nhiều. Vải để may những bộ trang phục này chủ yếu mua của người Kinh hoặc kỳ công hơn thì mua vải của người Chăm, người Ê Đê ở những tỉnh khác làm ra, chứ người Raglai ở Khánh Hòa không biết cách dệt vải.
Người Ê Đê sinh sống ở huyện Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa cũng đang dần thưa vắng những người biết cách dệt vải. Trang phục thường ngày của họ mặc giống như người Kinh. Có một điểm thuận lợi là họ có thể dựa vào cách mặc của người Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk để mặc theo. Với đồng bào T’rin, từ lâu cách mặc đã giống với đồng bào Chăm, bản thân họ cũng không tự dệt vải để may trang phục.
Bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025 tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: Tổng kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa về trang phục truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc Raglai tại huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (mỗi huyện xây dựng 1 mô hình); tổ chức triển khai cho học sinh người DTTS mặc trang phục dân tộc tại các trường học; tăng cường quảng bá và phát huy di sản văn hóa trang phục các DTTS thông qua các lễ hội văn hóa, liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật; tổ chức tuyên truyền về bảo tồn trang phục DTTS bằng các hình thức phù hợp; triển khai lập hồ sơ di sản văn hóa về nghề thủ công liên quan đến trang phục các DTTS… Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong giai đoạn trên sẽ làm tiền đề cho giai đoạn 2026 - 2030 để tiếp tục thực hiện và phát huy. Ngoài ra, còn tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục dân tộc tại các khu, điểm du lịch.
Để triển khai kế hoạch trên, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ. Theo một lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, việc thực hiện kế hoạch trên sẽ bắt đầu từ năm 2021. Ngành Giáo dục - Đào tạo và chính quyền các địa phương sẽ trực tiếp triển khai các nội dung quan trọng của kế hoạch. Hy vọng rằng, việc thực hiện kế hoạch này sẽ là một cú hích để thúc đẩy phong trào mặc trang phục dân tộc của chính đồng bào các DTTS.
Giang Đình