10:02, 18/02/2020

Tình ca du mục - bản tình ca đầy trắc trở

Có lẽ lâu nay khi nghe bài hát Tình ca du mục, nhiều người cứ nghĩ đây là bản nhạc Nga thời thanh niên Komsomol (TNCS Liên Xô) vì nét nhạc vui tươi, rộn rã đậm chất trữ tình thiết tha. Nhưng không ngờ rằng bản nhạc nổi tiếng lại đúng như tên gọi của nó - "du mục" khắp thế giới gần 50 năm rồi mới được trở lại nơi sinh ra nó.

Có lẽ lâu nay khi nghe bài hát Tình ca du mục, nhiều người cứ nghĩ đây là bản nhạc Nga thời thanh niên Komsomol (TNCS Liên Xô) vì nét nhạc vui tươi, rộn rã đậm chất trữ tình thiết tha. Nhưng không ngờ rằng bản nhạc nổi tiếng lại đúng như tên gọi của nó - “du mục” khắp thế giới gần 50 năm rồi mới được trở lại nơi sinh ra nó. Những năm tháng ấy, bản nhạc đã đạt đến đỉnh vinh quang, trở thành di sản văn hóa Nga tương đương các tác phẩm nổi tiếng như: Bác sĩ Zhivalgo, Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình…


Theo lịch sử âm nhạc Liên Xô (cũ) thì Tình ca du mục được sáng tác vào năm 1917 (có tài liệu viết năm 1924), tác giả là nhạc sĩ Boris Fomin (1900 - 1948). Ban đầu, Boris Fomin viết luôn lời với nội dung là sự văng vẳng của hoài niệm, nỗi buồn thăm thẳm, cô đơn, bơ vơ của một chàng trai trên thảo nguyên bao la. Tuy nhiên, bài hát không gây được chú ý của công chúng. Cũng có thể lý giải đây là giai đoạn đầu của cách mạng, không khí sôi sục nên những bài hát có giai điệu hơi lãng mạn, lời ca như nhớ về quá khứ không phù hợp. Đến năm 1924, nhà thơ Konstantin Podrevskyi chỉnh sửa viết lại phần lời, Boris Fomin cũng làm lại giai điệu cho phù hợp với lời mới. Bản nhạc được những ca sĩ nổi tiếng thời này biểu diễn và công chúng đón nhận. Tuy nhiên, sau đó bài hát bị phê phán ủy mị, thiếu tính cách mạng... nên  bị cấm. Nhạc sĩ Boris Fomin bị đi tù hơn 1 năm mới được thả (năm 1927), nhà thơ Konstantin Podrevskyi suy sụp rồi mất sau đó (năm 1930).


Từ đây, Tình ca du mục đi theo những dòng người Nga di cư sang châu Âu, trở thành hành trang tinh thần của người Nga ở nước ngoài. Bài hát này nổi tiếng tới mức người ta quên mất tác giả, coi như một bài dân ca Nga. Nghệ sĩ gốc Nga tên Raskin nghe bản nhạc thấy mê say liền dịch lời sang tiếng Anh và lấy tên là Those Were The Days (Những ngày đã qua). Điều kỳ lạ là ngoài biểu diễn khắp nơi từ Mỹ sang châu Âu, Raskin còn nhận mình là tác giả bài hát và thu rất nhiều tiền bản quyền tác giả, trở nên giàu có từ bản nhạc này. Ngay cả danh ca McCartney của ban nhạc The Beatles cũng mua Raskin bản nhạc này năm 1968. Công chúng tưởng rằng McCartney mua bản quyền để hát nhưng ông lại tìm ra một “cô bé lọ lem” người xứ Wales là Mary Hopkin. Qua giọng hát của Hopkin, bản nhạc Those Were The Days làm mưa làm gió khắp thế giới, trở thành bài hát hay nhất đứng top đầu nhiều nước như: Mỹ, Pháp, Anh, Úc thập niên cuối 1960 đầu 1970. Bài hát trước đó được đưa vào phim của danh hài Pháp Louis de Funes (năm 1952).


Sau đó, khi thông tin rộng rãi, người Nga (Liên Xô) mới “đón” đứa con tinh thần của mình lưu lạc khắp thế giới trở về. Từ đây, Tình ca du mục với lời và nhạc nguyên thủy của Boris Fomin và Konstantin Podrevskyi vang lên khắp nẻo đường, sân khấu tới thảo nguyên bao la Liên Xô.


Ở Việt Nam, bản nhạc cũng nổi tiếng không kém, nhạc sĩ Phạm Duy đã dịch lại (theo bản Those Were The Days). Nhưng bản dịch hay nhất, đậm chất Nga nhất mà công chúng đang nghe thì không biết chính xác tác giả là ai. Đây là bài hát rất lạ, từ danh ca nổi tiếng, nam hay nữ cho tới đoàn nhạc đều có thể biểu diễn, nhiều lần trong đêm nhạc Nga ở Việt Nam, đoàn quân nhạc Nga đã biểu diễn rất hay. Tuy nhiên, hay nhất vẫn chính là những ca sĩ người Nga như: Xecgay Pazaret đương đại, trước đó có Lyudmila Lopato, Vertinskiy… Ở Việt Nam, mãi sau này Tình ca du mục với lời dịch hoàn hảo thì công chúng mới được thưởng thức qua các giọng ca: Trọng Tấn, Việt Hoàng, Thanh Lam, ban nhạc Ba dòng kẻ... Gần đây, người nghe thấy ca sĩ nghiệp dư Triệu Linh hát với tiếng đàn ghita thùng của Thiên An biểu diễn chất nhất. Triệu Linh với chất giọng cao đã làm Tình ca du mục lời Việt trở nên rất Nga mà lại gần gũi với tâm hồn Việt.


Dương Trang Hương