Sau thành công tại đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc Tết Việt đã về phục vụ khán giả Nha Trang. Sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống với hiện đại đã mang đến cho người xem những ấn tượng đẹp.
Sau thành công tại đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc Tết Việt đã về phục vụ khán giả Nha Trang. Sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống với hiện đại đã mang đến cho người xem những ấn tượng đẹp.
Chương trình nghệ thuật Tết Việt diễn ra tối 28-1, tại sân khấu Quảng trường 2-4, do Công ty Cổ phần Truyền thông GTO phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh tổ chức. Trong khoảng 90 phút, ê kíp thực hiện chương trình với các nghệ sĩ, diễn viên của ban nhạc dân tộc Hồn quê hương, nhóm múa của nhà hát Legend, vũ đoàn VIP… đã gửi tới khán giả một chương trình nghệ thuật hấp dẫn. Ở đó, khán giả được đắm chìm trong giai điệu tha thiết, ngọt ngào nhưng không kém phần sôi động qua những bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Tiếng đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc… quyện hòa vào nhau trong những thanh âm của các bản nhạc: Trống cơm, Đoản xuân ca, Như hoa mùa xuân. Trong lần đầu biểu diễn tại TP. Nha Trang, các thành viên ban nhạc Hồn quê hương (TP. Hồ Chí Minh) đã thực sự đem tới cho khán giả, nhất là du khách nước ngoài những ấn tượng đẹp về âm nhạc truyền thống Việt Nam.
“Những giai điệu âm nhạc truyền thống của các bạn rất cuốn hút và tạo cảm giác vui vẻ, sôi nổi khi nghe”, ông Oleg Rylkov - du khách Nga chia sẻ.
Điểm nhấn của chương trình là hoạt cảnh Xanh vỏ - Đỏ lòng kể câu chuyện truyền thuyết về Mai An Tiêm. Bằng ngôn ngữ múa hiện đại, những tiết mục Beatbox đã có sự kết hợp với âm nhạc cung đình, những làn điệu dân ca… để tạo nên một màn kịch ngắn đa sắc màu. Người xem được dẫn dắt đi từ cảnh thiết triều trang nghiêm đến lễ cưới của hoàng tử Mai An Tiêm; từ cơn thịnh nộ của vua Hùng đến cuộc mưu sinh vất vả của vợ chồng Mai An Tiêm trên đảo hoang…
Có thể thấy, chương trình tạo được dấu ấn bởi màn trình diễn khá nhuyễn của các diễn viên, nhạc công. Phần âm nhạc của chương trình sử dụng rất nhiều bản nhã nhạc cung đình Huế như: Long ngâm, Lưu thủy kim tiền, Xuân phong long hổ… Đan xen với đó là những giai điệu dân ca mượt mà. Sự đầu tư cho những tiết mục vũ đạo đương đại, dân vũ cũng là yếu tố hấp dẫn người xem. Nội dung chương trình được thể hiện khá hiệu quả khi có sự tương tác, hỗ trợ của những hình ảnh trình chiếu trên màn hình LED. Điều này không chỉ tạo hiệu ứng sân khấu ấn tượng, mà còn giúp khán giả dễ hình dung về bối cảnh, nội dung câu chuyện.
Ở phần cuối của chương trình là những tiết mục ca nhạc mang chủ đề về mùa xuân do các ca sĩ của TP. Nha Trang biểu diễn. Ban nhạc Hồn quê hương cũng gửi tặng khán giả nhiều bản nhạc xuân, nhạc mừng năm mới của Việt Nam và nước ngoài. Tất cả tạo cho khán giả khoảng thời gian đầy vui tươi, sôi động.
“Chương trình nghệ thuật Tết Việt với tên gọi kịch bản Xanh vỏ - Đỏ lòng đã được công ty mua bản quyền. Đây là lần đầu chương trình được biểu diễn ở TP. Nha Trang và đã được khán giả đón nhận. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện thêm những chương trình nghệ thuật mang màu sắc văn hóa truyền thống khác để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách”, bà Hồ Hoàng Oanh - Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông GTO cho biết.
Chương trình nghệ thuật Tết Việt đã mở ra hướng mới trong việc kêu gọi xã hội hóa tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân. Bởi lâu nay, hoạt động này đều do các đơn vị nghệ thuật của tỉnh như: Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thực hiện. Vậy nên, dù có nhiều nỗ lực đổi mới trong cách xây dựng chương trình, dàn dựng tiết mục thì khán giả vẫn ít thấy được sự đổi mới mang tính đột phá. Từ bước khởi đầu này, nếu được khuyến khích thì việc xã hội hóa hoạt động biểu diễn nghệ thuật sẽ đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của khán giả.
Giang Đình