11:09, 03/09/2019

Gian nan giữ gìn nghệ thuật truyền thống

Sau hơn 17 năm thành lập, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn trên hành trình giữ gìn bản sắc nghệ thuật tuồng và dân ca kịch bài chòi.

 

Sau hơn 17 năm thành lập, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh Khánh Hòa vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn trên hành trình giữ gìn bản sắc nghệ thuật tuồng và dân ca kịch bài chòi.


Khó khăn toàn diện


Năm 2002, Nhà hát NTTT tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Nhà hát tuồng Khánh Hòa và Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa. Từ đó đến nay, nhà hát đã nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Mỗi năm, đơn vị thực hiện gần 100 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu là những vùng nông thôn, vùng sâu, miền núi. Nhà hát cũng đã tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố để đưa sân khấu truyền thống gần hơn với du khách, người dân. Tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn sân khấu, các vở diễn, vai diễn của đơn vị cũng giành được nhiều giải thưởng cao.

 

Vở dân ca kịch Phù Vân do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng, biểu diễn.

Vở dân ca kịch Phù Vân do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng, biểu diễn.


Tuy nhiên, hoạt động của nhà hát trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn. Về công tác nhân sự, Ban giám đốc nhà hát gồm 1 giám đốc và 1 phó giám đốc đều mới được điều động từ các đơn vị khác về, công tác chỉ đạo, điều hành còn có những hạn chế, nhất là về công tác chuyên môn nghệ thuật. Hai đoàn nghệ thuật tuồng và dân ca kịch đến nay vẫn còn khuyết vị trí lãnh đạo do chưa có nguồn để bổ nhiệm. Do thiếu hụt nhân sự có chuyên môn cao, hoạt động của đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và định hướng nghệ thuật. Công tác tuyển dụng diễn viên, nhạc công đang rất khó khăn do đây là nghề mang tính đặc thù, trong khi lớp trẻ lại không mặn mà tham gia hoạt động NTTT. Đơn vị đào tạo nghệ thuật của tỉnh đã nhiều năm nay không còn đào tạo bộ môn nghệ thuật tuồng, dân ca nên đành phải tuyển dụng diễn viên học thanh nhạc, sư phạm nhạc rồi đào tạo lại, nhưng ngay cả việc đào tạo lại cũng chỉ ở dạng tự phát, chứ chưa có kinh phí để thực hiện thường xuyên.


Cơ sở vật chất của nhà hát đến nay đều đã xuống cấp, về cơ bản chỉ sử dụng để phục vụ làm việc và tập luyện, chứ không đáp ứng được yêu cầu tổ chức dịch vụ biểu diễn. Trang thiết bị âm thanh, ánh sáng lạc hậu, thiếu đồng bộ nên chưa thể hỗ trợ để nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn. Mỗi năm, đơn vị được cấp khoảng 900 triệu đồng để dàn dựng 2 vở diễn và 2 chương trình lẻ. Mức kinh phí này chỉ đủ trang trải các khoản liên quan đến ê kíp thực hiện như: biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên, họa sĩ. Vì thế, việc đầu tư cho thiết kế mỹ thuật, cảnh trí, phục trang, đạo cụ… rất hạn chế.

Cần hướng đi mới


Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Nhà hát NTTT tỉnh, sở đang thực hiện việc tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề này. Mục tiêu là đưa nhà hát hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả để giữ gìn, phát huy nghệ thuật tuồng và dân ca bài chòi ở Khánh Hòa. Về phía nhà hát cần chủ động có giải pháp nâng cao chất lượng các chương trình, vở diễn vừa đảm bảo yếu tố truyền thống dân tộc, vừa hiện đại, gần gũi với khán giả trẻ; mời ê kíp dàn dựng giỏi nghề, nổi tiếng, mạnh dạn giao vai cho lực lượng diễn viên trẻ, đồng thời chú trọng đầu tư trang phục, đạo cụ, cảnh trí. Cùng với đó, kiện toàn và nâng cao trình độ đội ngũ nhân sự của nhà hát, trong đó có sự quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công trẻ. Trong phương thức hoạt động của nhà hát cần hướng đến sự quan tâm, thu hút các đối tượng khán giả là khách du lịch, học sinh, sinh viên bằng cách liên hệ, liên kết với các công ty du lịch, các trường học để đến biểu diễn…


Tuy nhiên, để có thể thực hiện được các giải pháp nêu trên, vấn đề cốt lõi vẫn là kinh phí, bởi đây là đơn vị được tiếp tục duy trì hoạt động bằng nguồn ngân sách. Nhưng với mức cấp như lâu nay thì hoạt động của đơn vị chỉ có thể dừng ở mức hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong khi đó, nguồn thu dịch vụ của nhà hát hàng năm không đáng kể. Và những khó khăn của nhà hát vẫn sẽ là câu chuyện còn được nhắc đến nhiều.


GIANG ĐÌNH