Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh vừa công diễn vở dân ca kịch bài chòi "Điều không thể mất". Qua vở diễn, thêm một lần nghĩa tình đồng chí, đồng đội của những người lính đã đi qua chiến tranh được khắc họa sáng ngời.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh vừa công diễn vở dân ca kịch bài chòi “Điều không thể mất”. Qua vở diễn, thêm một lần nghĩa tình đồng chí, đồng đội của những người lính đã đi qua chiến tranh được khắc họa sáng ngời.
Chuyện về những người lính Trường Sơn
Điều không thể mất là một trong số những kịch bản nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ và đã từng được các đoàn nghệ thuật dựng dưới hình thức kịch nói, dân ca kịch bài chòi. Những vở diễn đó khi giới thiệu với công chúng đều nhận được những phản hồi tích cực, để lại dấu ấn khó phai. Vở Điều không thể mất được nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức chuyển thể kịch bản; nghệ sĩ Đỗ Ngọc Tâm làm đạo diễn; âm nhạc: nhạc sĩ Hình Phước Liên… cùng các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Dân ca kịch dàn dựng, biểu diễn.
Nội dung vở diễn nói về cuộc sống, chiến đấu với những gian khổ, mất mát, hi sinh oanh liệt của nam, nữ thanh niên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những năm tháng đối mặt với đạn bom, bên làn ranh giữa cái sống và cái chết cận kề ấy đã hun đúc trong mỗi người tình đồng chí, đồng đội và tình yêu thủy chung, son sắt. Ở đó, những người lính Trường Sơn như: Nhâm, Minh, Thế Anh đã dành cho nhau những tình cảm thiêng liêng nhất. Chính mối tình đồng đội đã giúp họ vững niềm tin, vượt qua đạn lửa hướng về ngày giải phóng. Cũng nhờ tình cảm đồng đội nên khi bước ra khỏi cuộc chiến, giữa bộn bề cuộc sống thường nhật, họ vẫn giữ được những phẩm chất của người lính Trường Sơn năm xưa. Chính điều đó đã giúp mỗi người tự điều chỉnh những mối quan hệ tình cảm của riêng mình để không làm tổn thương cho nhau và những người quanh mình. Trải qua hết những biến cố của cuộc sống, điều không thể mất trong trái tim, tâm hồn của mỗi người chính là tình đồng đội cao quý.
Dấu ấn mới
Ở vở diễn Điều không thể mất, bên cạnh những diễn viên nhiều kinh nghiệm như: NSƯT Ái Ly, nghệ sĩ Thanh Sơn là dàn diễn viên trẻ của Đoàn Dân ca kịch. Đó là Thanh Phương vai Nhâm lúc trẻ, Sơn Hà vai Minh lúc trẻ, Lưu Vũ vai Thế Anh và Thu Mến, Khánh Hòa, Mỹ Hương, Thanh Hồng trong vai các nữ chiến sĩ thông tin… Những diễn viên trẻ này tuy còn có một vài điểm hạn chế trong diễn xuất, hô hát, nhưng họ đã cùng nhau tạo nên được bầu không khí trẻ trung, sinh động cho vở diễn. Điểm đáng ghi nhận là các diễn viên trẻ đã có sự tìm hiểu, hình dung cuộc sống trong bom lửa như thế nào để nhập vai một cách tròn trịa. Một điểm mới trong vở diễn này là lần đầu tiên nghệ sĩ Đỗ Ngọc Tâm tham gia với tư cách đạo diễn. Trong sản phẩm đầu tay của mình, nghệ sĩ Đỗ Ngọc Tâm đã dành nhiều tình cảm, tâm huyết để có thể cho ra đời một sản phẩm tinh thần có chất lượng và được khán giả đón nhận. “Bản thân tôi rất thích kịch bản này, bởi nó kể về câu chuyện của những người lính đi qua chiến tranh nhưng vẫn mang hơi thở đương đại. Trong quá trình dàn dựng, tôi đã cố gắng tái hiện được bầu không khí chiến tranh, cũng như cuộc sống hôm nay một cách chân thực nhất. Quá trình dựng vở, mỗi thành viên trong ê kíp đều có sự sáng tạo độc lập nên đã mang đến những kết quả tích cực”, nghệ sĩ Đỗ Ngọc Tâm chia sẻ.
Trải qua khoảng 120 phút, vở diễn đã tạo được cảm xúc tự nhiên trong lòng khán giả. “Tôi từng xem vở diễn này dưới hình thức kịch nói từ những năm 90 của thế kỷ XX, bây giờ xem lại với chất liệu dân ca bài chòi vẫn thấy rất thích và cảm động. Những diễn viên trẻ đã có sự hòa quyện tốt với những diễn viên có kinh nghiệm để tạo nên mạch diễn xuất xuyên suốt”, ông Ngô Huy Bình - khán giả cho biết.
Theo đạo diễn Cao Nguyên, đây là vở diễn được dàn dựng khá tốt. Từ âm nhạc, cảnh trí, vũ đạo, diễn xuất của các diễn viên đều đã để lại những ấn tượng nhất định với người xem. Tuy nhiên, vẫn còn một vài chỗ cần chỉnh sửa để vở diễn được hoàn thiện hơn. Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng: “Tuy đây là vở diễn đầu tay của nghệ sĩ Đỗ Ngọc Tâm trong vai trò đạo diễn nhưng đã có nhiều nỗ lực thể hiện được khả năng của bản thân. Đã lâu rồi mới có một vở diễn được dàn dựng tốt như vậy, đây là điều bất ngờ đối với các thành viên trong hội đồng nghệ thuật”.
Sau đêm công diễn, vở Điều không thể mất sẽ được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đưa đi biểu diễn phục vụ chiến sĩ, nhân dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, trong những liên hoan, hội thi, hội diễn sân khấu sắp tới, vở diễn cũng sẽ được trau chuốt lại để dự thi.
Giang Đình