08:08, 13/08/2019

Những kỷ vật Bác Hồ tặng "vua Mèo"

Mới đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận hai hiện vật từ gia đình ông Vương Quỳnh Xuân, cháu nội "vua Mèo" Vương Chí Sình (tức Vương Chí Thành, nguyên đại biểu Quốc hội khóa I, II). Theo thông tin từ gia đình họ Vương, đây là những kỷ vật được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Vương Chí Sình, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Người đối với vị thủ lĩnh của bà con dân tộc Mông ở Hà Giang đã giác ngộ và đi theo cách mạng.
 

Mới đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận hai hiện vật từ gia đình ông Vương Quỳnh Xuân, cháu nội "vua Mèo" Vương Chí Sình (tức Vương Chí Thành, nguyên đại biểu Quốc hội khóa I, II). Theo thông tin từ gia đình họ Vương, đây là những kỷ vật được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Vương Chí Sình, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Người đối với vị thủ lĩnh của bà con dân tộc Mông ở Hà Giang đã giác ngộ và đi theo cách mạng.
 
Ông Vương Quỳnh Xuân chia sẻ, trước khi qua đời, bố ông đã kể rất kỹ về cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ông nội ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như về những kỷ vật mà Bác Hồ đã tặng "vua Mèo". Ðầu tháng 9-1945, từ Hà Giang, nhận được tin báo quân Pháp, Nhật bị đánh bại, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập, theo lệnh cha, ông Vương Chí Sình đã tìm mọi cách về Hà Nội để gặp Bác Hồ trong bối cảnh tỉnh Hà Giang vẫn chưa được giải phóng. Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí thân tình đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Vương Chí Sình đã kết nghĩa anh em. Ðây là cuộc gặp gỡ lịch sử đánh dấu bước ngoặt hết sức quan trọng bởi từ đó, thủ lĩnh của đồng bào Mông đã đi theo tiếng gọi của Ðảng, của Bác, cùng bà con dân tộc Mông đồng cam, cộng khổ giữ yên vùng biên ải Mèo Vạc - Ðồng Văn; và cùng quân dân cả nước đóng góp sức người, sức của trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông Vương Chí Sình từng được giao đảm nhận nhiều vị trí như Chủ tịch huyện Ðồng Văn (gồm ba huyện Mèo Vạc, Ðồng Văn, Yên Minh ngày nay), đại biểu Quốc hội các khóa I, II.
 
 
Ðại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh (bên phải) trao Thư cảm ơn ông Vương Quỳnh Xuân.
Ðại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh (bên phải) trao Thư cảm ơn ông Vương Quỳnh Xuân.
 
Thu đông năm 1950, chị em phụ nữ tỉnh Hải Dương có làm một chiếc áo trấn thủ tặng Bác, trên thêu ngôi sao vàng cùng dòng chữ: Kính tặng Hồ Chủ tịch/Hội L.H.P.N.V.N Hải Dương. Sau khi nhận áo, Bác cho thêu thêm dòng chữ: Chuyển tặng/Vương Chí Thành/Ðại biểu Quốc hội, dưới ký tên Hồ Chí Minh và chuyển tặng ông Vương Chí Sình. Ðến nay, chiếc áo mang mầu cỏ úa gần như vẫn nguyên vẹn, các dòng chữ được thêu bằng chỉ đỏ, trắng, vàng đều rõ ràng, sắc nét. Sau chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ năm 1954, hòa bình lập lại ở miền bắc. Năm 1956, để biểu thị tấm lòng của mình đối với thủ lĩnh họ Vương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân chỉ thị Xưởng quân khí Bộ Quốc phòng làm một thanh gươm bằng hợp kim thép. Ở hai bên của bao thanh gươm, Bác tự tay viết tám chữ Nho: Tận tâm báo quốc/Bất thụ nô lệ. Ðồng chí Bùi Công Trừng, Thứ trưởng Bộ Kinh tế khi đó đã được cử làm đặc phái viên thay mặt Người mang thanh gươm lên thị xã Hà Giang trao tặng ông Vương Chí Sình trước toàn thể lãnh đạo và đại diện đồng bào dân tộc trong tỉnh. Thanh gươm sắc nhọn, dài hơn 70 cm, có chuôi bằng sừng mầu đen gắn nổi hình ngôi sao mầu bạc. Bao gươm là vỏ gỗ tốt, có ba đai kim loại. Quai đeo bằng da đã cũ nhưng còn tốt, tám chữ Nho Bác viết đến nay vẫn nhìn rõ. Theo ông Vương Quỳnh Xuân, hơn nửa thế kỷ trôi qua, những kỷ vật được con cháu họ Vương gìn giữ như báu vật cho dòng họ và dân tộc, để từ đó nguyện tiếp tục phấn đấu đi theo con đường mà cha ông đã lựa chọn là theo Ðảng, theo Bác. Ông Xuân cũng cho biết, việc trao tặng hai kỷ vật này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh gìn giữ, bảo quản là thực hiện theo di nguyện của bố ông, để công chúng trong nước, quốc tế có cơ hội chiêm ngưỡng và hiểu hơn về mối quan hệ đặc biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với ông Vương Chí Sình và toàn thể đồng bào Mông.
 
Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định: Ðây là những hiện vật có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác nghiệp vụ của bảo tàng, thể hiện tình cảm sâu sắc, niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vị thủ lĩnh họ Vương. Ðáp lại niềm tin của Người, vị "vua Mèo" đã cùng đồng bào Mông vượt qua những thời điểm khó khăn và cam go nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bên cạnh đó, lòng biết ơn, tình cảm sâu đậm của ông Vương Chí Sình đối với Bác còn thể hiện qua những món quà giản dị, mang đậm dấu ấn của vùng cao Tây Bắc, khi là quả cam, trái lê, lúc chai mật ong… gửi biếu Người. Những điều này đã được cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch trước đây ghi chép lại trong cuốn Sổ tặng phẩm hiện được lưu giữ, bảo quản tại Kho cơ sở - Bảo tàng Hồ Chí Minh. Với việc tiếp nhận những hiện vật giá trị từ gia đình ông Vương Chí Sình hiến tặng, bảo tàng sẽ có thêm tư liệu để giới thiệu một cách rộng rãi, giúp công chúng hiểu hơn về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những đóng góp của đồng bào Mông đối với đất nước cũng như tình cảm sâu nặng và lòng kính trọng đặc biệt của ông Vương Chí Sình và các thế hệ con cháu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðiều này càng có ý nghĩa, giá trị to lớn trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta đang thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
Theo nhandan.com.vn