Với mong muốn được gặp gỡ, giao lưu và giới thiệu những tác phẩm mới của mình, một số họa sĩ ở Nha Trang đã tự tìm các sân chơi phù hợp với bản thân. Đó cũng là cách giúp họ nâng tầm sáng tạo, thỏa niềm đam mê với nghiệp cầm cọ của mình.
Với mong muốn được gặp gỡ, giao lưu và giới thiệu những tác phẩm mới của mình, một số họa sĩ ở Nha Trang đã tự tìm các sân chơi phù hợp với bản thân. Đó cũng là cách giúp họ nâng tầm sáng tạo, thỏa niềm đam mê với nghiệp cầm cọ của mình.
Từ ngày 29-7 đến 9-8, tại Nhà triển lãm số 16 Ngô Quyền (TP. Hà Nội) diễn ra triển lãm mỹ thuật với chủ đề Kết nối của nhóm họa sĩ đến từ 3 miền đất nước. Trong lần thứ 3 diễn ra, triển lãm đã giới thiệu tác phẩm của 9 họa sĩ khá tên tuổi ở các địa phương, trong đó có họa sĩ Lê Văn Duy của Khánh Hòa. Lần đầu đến với triển lãm này, họa sĩ Lê Văn Duy mang tới 8 bức tranh được ông sáng tác gần đây. Những tác phẩm với chủ đề về tuổi thơ cùng phong cách đã được định hình đã đem lại ấn tượng đối với công chúng đến xem triển lãm. “Tiêu chí của triển lãm là nơi để gắn kết anh em họa sĩ các địa phương, với mục đích hướng tới cái đẹp. Chính vì thế, dù mỗi họa sĩ thuộc những thế hệ khác nhau, đến từ những vùng miền khác nhau nhưng đã tìm được sự đồng cảm để tạo nên một triển lãm ý nghĩa”, họa sĩ Lê Văn Duy chia sẻ.
Sân chơi nghệ thuật đối với các họa sĩ từ lâu đã là vấn đề được nhiều người đề cập như một yếu tố cần thiết cho việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo mỹ thuật phát triển. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa đối với họa sĩ ở các tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bởi cùng với sự trầm lắng của môi trường hoạt động mỹ thuật cũng như thị trường mỹ thuật thì sân chơi dành cho các họa sĩ cũng ngày càng ít đi. Có lẽ vì thế, xu hướng lập các hội nhóm mỹ thuật có chung quan điểm ngày càng diễn ra khá phổ biến. Có thể kể đến những cái tên như: nhóm Hiện thực quy tụ các họa sĩ ở Hà Nội; nhóm Gió Lào - nơi sinh hoạt của các họa sĩ khu vực miền Trung… Ở Khánh Hòa, cách đây hơn 10 năm, khi các phòng tranh nghệ thuật hoạt động còn khá sôi động thì các họa sĩ cũng nhờ thế có nhiều dịp để tham gia các sân chơi mang tầm quốc gia, quốc tế. “Trước đây, tôi từng có nhiều dịp tham gia các triển lãm cá nhân ở Nga, Trung Quốc, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… Nhưng thời gian gần đây thì ít hẳn. Thiếu các sân chơi là điều thiệt thòi với họa sĩ, nhất là những họa sĩ trẻ”, họa sĩ Lê Văn Duy cho biết.
Còn nhớ, năm 2017 và 2018, có một resort ở Khánh Hòa đã tổ chức chương trình Vườn nghệ sĩ để mời các họa sĩ trên địa bàn tỉnh đến sáng tác, giới thiệu tác phẩm của mình. Những họa sĩ như: Bùi Văn Quang, Lê Huỳnh, Ngô Thái Bình, Ngô Đăng Hiệp, Bùi Trung Chính… đã tham gia chương trình và bước đầu đạt được những thành quả nhất định. Cùng với đó, còn có chương trình tour du lịch nghệ thuật với mong muốn đưa du khách đến xưởng vẽ của các họa sĩ để trò chuyện, tìm hiểu và mua tranh. Những hoạt động trên thực sự đã đem lại nhiều kỳ vọng cho các họa sĩ khi có sự đồng hành của doanh nghiệp. Trong một năm qua, khu nghỉ dưỡng này còn dành không gian cho anh em họa sĩ giới thiệu tranh. Đều đặn mỗi thứ Tư hàng tuần, các họa sĩ lại đến resort để giới thiệu và bán những tác phẩm của mình. “Hoạt động này tuy quy mô chưa lớn nhưng là nơi để các họa sĩ lui tới gặp gỡ, giới thiệu những tác phẩm của mình. Việc được lãnh đạo khu resort giới thiệu khách hàng một phần giúp mang lại thu nhập, nhưng cũng mang đến niềm vui đối với người họa sĩ”, họa sĩ Bùi Văn Quang chia sẻ.
Theo họa sĩ Trần Hà - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thực trạng thiếu sân chơi đối với họa sĩ diễn ra khá phổ biến ở các địa phương, trong đó có Khánh Hòa. Mỗi năm, nếu theo con đường chính ngạch của hội thì cũng chỉ có một vài cuộc triển lãm khu vực, quốc gia, nhưng số lượng tranh tham gia bị hạn chế. 5 năm qua, các họa sĩ tổ chức được 6 cuộc triển lãm cá nhân; có 2 họa sĩ có tác phẩm được tuyển chọn tham gia triển lãm toàn quốc; có 3 tác phẩm được nhận giải tặng thưởng tại triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên. Quả thực, trên hành trình vươn tới cái đẹp của mỗi họa sĩ, môi trường hoạt động có vai trò khá quan trọng. Nhu cầu giao lưu, giới thiệu tác phẩm của các họa sĩ rất lớn nên luôn mong muốn có được các sân chơi để thể hiện mình. Việc các họa sĩ tự đi tìm sân chơi nghệ thuật cho mình vừa giúp nâng tầm sáng tạo, vừa thỏa niềm đam mê với nghiệp cầm cọ của mình.
Giang Đình