09:08, 20/08/2019

Hồi đó đi xem xi-nê

Bây giờ mình gọi là rạp chiếu phim. Các rạp chiếu phim thường nằm các trung tâm thương mại, sức chứa ít, ghế ngồi êm ái, mua vé xem phim qua online và có khi được tặng một gói bắp rang để ăn. Nhưng hồi xửa hồi xưa, đi xem xi-nê lại là một nhu cầu giải trí sang chảnh, và có bao nhiêu cuộc tình chỉ hẹn hò trong các rạp xi-nê (cinema - rạp chiếu phim).

Bây giờ mình gọi là rạp chiếu phim. Các rạp chiếu phim thường nằm các trung tâm thương mại, sức chứa ít, ghế ngồi êm ái, mua vé xem phim qua online và có khi được tặng một gói bắp rang để ăn. Nhưng hồi xửa hồi xưa, đi xem xi-nê lại là một nhu cầu giải trí sang chảnh, và có bao nhiêu cuộc tình chỉ hẹn hò trong các rạp xi-nê (cinema - rạp chiếu phim).


Nha Trang hồi đó có các rạp: Minh Châu, Tân Tiến, Tân Quang, Nha Trang, Hưng Đạo. Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban thì có 2 rạp xi-nê đầu tiên ở Nha Trang vào cuối thập niên 30. Rạp thứ nhất là rạp Abraham trên đường Graffeuil (sau là đường Độc Lập, nay là đường Thống Nhất). Năm 1953, ông Tôn Thất Đệ mua lại và đổi tên rạp là Tân Tân, nay là Trung tâm Văn hóa tỉnh. Rạp thứ hai là rạp Tân Tiến, chủ là một người Ấn Độ ở đường Lê Thành Phương. Rạp này nay là siêu thị sách Tân Tiến. Ngoài ra còn có một rạp hát bội Thạnh Xương do ông Cò Xương thành lập khoảng thập niên 40 tại đường Sinh Trung để đáp ứng nhu cầu xem hát bội của một bộ phận người dân lớn tuổi, nay là Nhà hát tuồng Khánh Hòa. Tất nhiên là vật đổi sao dời, chẳng ai nhớ đến cái ngày xưa ấy.

 

Màn hình quảng cáo ở rạp chiếu phim hiện nay.

Màn hình quảng cáo ở rạp chiếu phim hiện nay.


Thường thì mỗi tuần, các rạp xi-nê đổi phim một lần. Trên các giao lộ ngã sáu, mỗi rạp treo bảng giới thiệu phim đang chiếu, phim hay có khi 2 - 3 rạp cùng chiếu với suất chiếu lệch nhau. Hồi đó, xem xi-nê đi xe đạp hoặc đi bộ nên chỗ gửi xe cũng dễ dàng, không khó khăn như bây giờ. Trước rạp thường có áp phích vẽ hình ảnh phim đang chiếu và phim sắp chiếu, trong rạp thường trưng các bảng nhỏ. Vào buổi sáng hay chiều, những chiếc xe lam chạy vòng vòng các khu vực dân cư để giới thiệu phim, phát mấy tờ program giới thiệu nội dung phim lưng chừng, sau đó mời đến rạp xem đoạn kết. Hồi đó, phim Mỹ, Pháp, Hồng Kông, Ấn Độ là chủ lực.


Rạp Minh Châu (đường Yết Kiêu) sau này chọn chiếu thường trực, nghĩa là chiếu các phim đã từng chiếu. Rạp chiếu từ 8 giờ cho đến tối, vào lúc nào cũng được, tự kiếm ghế mà ngồi, xem nửa phim này đợi xem phim khác rất thú vị. Rạp Hưng Đạo (đường Huỳnh Thúc Kháng) thuộc loại sinh sau đẻ muộn nên khá sang trọng, còn rạp Tân Quang (ngã sáu Yersin - Quang Trung - Phan Chu Trinh), Tân Tân (đường Độc Lập - nay là Thống Nhất) thì hay cho thuê để các đoàn kịch nói hoặc cải lương biểu diễn.


Nói chung hồi đó, rủ bạn gái đi xem xi-nê là sang. Tới rạp, phòng vé bán vé xong cho thêm tờ program để đọc. Trước các rạp có xe bán kẹo cao su, nước uống, kem và các bị bỏng (hồi đó chưa có snack), mua vào rạp ngồi ăn. Mỗi rạp có phân hạng vé giá khác nhau, cả vé trên lầu. Sau khi xem phim thì rủ nhau qua Khả Khánh (góc Thống Nhất - Sinh Trung bây giờ) ăn kem hoặc ghé phở Hợp Lợi (đường Lý Thánh Tôn) hay mấy quán phở vỉa hè, vào các quán nước, đôi khi chở nhau ra biển mua cóc, xoài, ổi ngâm hoặc mực khô quệt tương ớt, xuống bãi biển ngồi ăn.


Mấy rạp chiếu thường chiếu phim trong một tuần, hai ngày cuối có chương trình giảm giá vé để thu hút khách. Những bộ phim như: Love Story, Hec Quyn, Nữ hoàng Cleopatra, Võ sĩ đạo và nhất là các bộ phim võ thuật Hồng Kông có Lý Tiểu Long đóng làm mưa làm gió các rạp hát.


Ngày đó đi xem xi-nê giống như là một ngày hội.


KHUÊ VIỆT TRƯỜNG