Tháng Bảy - ở đất liền chợt nhớ da diết Trường Sa. Tháng Bảy, thắp nén hương viếng những liệt sĩ ở nghĩa trang quê nhà, bỗng nghẹn ngào nhớ tới nghĩa trang trên biển - nơi có những người mãi mãi nằm xuống khi tuổi chớm thanh xuân…
Tháng Bảy - ở đất liền chợt nhớ da diết Trường Sa. Tháng Bảy, thắp nén hương viếng những liệt sĩ ở nghĩa trang quê nhà, bỗng nghẹn ngào nhớ tới nghĩa trang trên biển - nơi có những người mãi mãi nằm xuống khi tuổi chớm thanh xuân…
Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh các thành viên trên tàu 561 lặng lẽ thắp hương và thả hoa đăng xuống biển trong buổi lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh trên vùng đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao. Dường như ai cũng muốn tự tay thả những cánh hoa vàng và những con hạc giấy màu trắng xuống biển, thay cho lời tri ân và tưởng nhớ đến các anh. Đứng ở nơi này, trong khung cảnh bình yên ấy, bất giác hình dung lại trận chiến năm nào, mới thấy sự quả cảm và lòng gan dạ của 64 chiến sĩ khi kề cận với cái chết. Giờ phút sinh tử ấy, Thiếu úy, anh hùng Trần Văn Phương - Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma đã hô vang với đồng đội: “Không được lùi bước trước quân thù, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Khi ấy anh vừa tròn 23 tuổi. Đồng đội của anh cũng có nhiều người mới bước vào tuổi 20…
Họ đã hi sinh tuổi xuân để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Và biển cũng là nơi ru giấc ngàn thu cho những người con ấy. Hơn 30 năm qua, nơi này đã trở thành nghĩa trang đỏ của Trường Sa - nơi mà mộ phần các anh không xếp theo thứ tự, chỉ là những con sóng bạc đầu, là đại dương mênh mông, nơi máu thịt của các anh đã hóa thành sóng nước… Đứng trên boong tàu thả những nhành hoa xuống biển, nhiều người đã lặng lẽ khóc.
Có những cái chết hóa thành bất tử. Có những câu chuyện về sự hi sinh đã trở thành huyền thoại. Như lúc tàu neo đậu trước Nhà giàn DK1 - Phúc Tần, một lần nữa chúng tôi lại rơi nước mắt khi nghe kể giây phút nhà giàn sắp đổ vì cơn bão lớn năm 1990. Giữa lằn ranh sinh tử, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng vẫn luôn động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trước những đợt sóng dữ dội, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sĩ yếu nhất, để rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu. Cùng với anh, có 2 chiến sĩ nữa cũng ra đi mãi mãi. 8 năm sau, lại một cơn bão mạnh quét qua Nhà giàn DK1 - Phúc Nguyên, 3 trong số 9 chiến sĩ ở đó đã vĩnh viễn nằm lại với biển. Có chiến sĩ trước khi bị sóng dữ cuốn phăng đã kịp ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng…
Còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện về những người con của biển như thế. Chúng tôi biết, mình khóc vì tiếc thương các anh, nhưng đó cũng là những giọt nước mắt tự hào - tự hào về những người đã viết nên lịch sử, đã kết nối triệu tấm lòng yêu nước Việt Nam. Để một lần đến Trường Sa, đi qua những vùng biển này, càng yêu hơn mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió, trân quý hơn sự hi sinh thầm lặng của biết bao thế hệ để giữ vững bình yên cho Tổ quốc…
Cũng như khi đứng trước những ngôi mộ ở đảo Nam Yết hay Trường Sa Lớn, nhìn những tấm bia ghi tên các liệt sĩ với tuổi đời còn rất trẻ, ai cũng nghẹn ngào xúc động. Các anh nằm đây, dẫu là nơi nghỉ tạm, nhưng chắc cũng yên lòng khi có đồng đội canh gác, vẫn nghe những thanh âm từ biển vọng về…
Những ngày này Biển Đông chưa lặng sóng. Lại thấy nhớ Trường Sa, nhớ những anh lính tuổi hai mươi với nước da đen giòn và gương mặt rám nắng, nhớ những nụ cười rắn rỏi và những cái bắt tay thật chặt với những người từ đất liền ra thăm: “Biển là nhà, đảo là quê hương, chúng tôi sẽ luôn chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc…”.
Lời hứa ấy - có lẽ cũng là lời hứa với những người đã nằm xuống biển sâu. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước, ấy là tinh thần bất diệt của những người lính Trường Sa…
Lệ Hằng