11:09, 14/09/2018

Gian truân… một tiếng lòng

Trong lịch sử thi ca của nước nhà, có nhiều tác phẩm có số phận thăng trầm đến khó tin. Nhưng một bài thơ ngắn của nhà báo Lê Bá Dương...

Trong lịch sử thi ca của nước nhà, có nhiều tác phẩm có số phận thăng trầm đến khó tin. Nhưng một bài thơ ngắn của nhà báo Lê Bá Dương, được tạc bia đá bên Bến thả hoa tưởng niệm liệt sĩ bên sông Thạch Hãn, rồi bị đục tên tác giả, rồi sau gần 5 năm “nghiên cứu”, mới đây UBND thị xã Quảng Trị lại cho phục hồi tên tác giả… quả thực là chuyện hiếm có.
 
 
Cựu binh Lê Bá Dương bên bia đá tạc bài thơ của mình.

Cựu binh Lê Bá Dương bên bia đá tạc bài thơ của mình.

 
Lai lịch một bài thơ
 
Nhà báo, cựu chiến binh Lê Bá Dương đã gần như là người nhà với những thân nhân của những người đã từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch lịch sử 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Khai tăng tuổi để nhập ngũ, rời quê hương xứ Nghệ, ông được đưa thẳng vào chiến trường nóng bỏng Quảng Trị. Rồi cũng trên mảnh đất Quảng Trị này, ngay trong trận đánh vào thôn Tây Trì (Đông Hà), Lê Bá Dương trở thành dũng sĩ diệt Mỹ! Những năm tiếp theo từ 1968 đến 1973, qua nhiều trận đánh nổi tiếng trên chiến trường Quảng Trị, ông đã được tặng nhiều danh hiệu: dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt cơ giới, dũng sĩ diệt máy bay… và người chiến sĩ với hơn chục vết thương trên người. Hòa bình trở lại, ông luôn đau đáu với ý nghĩ là mình may mắn hơn bao nhiêu đồng đội đã hy sinh, do vậy ông dành thời gian phần lớn cho những việc làm đền đáp nghĩa tình đồng đội.
 
Cũng chính Lê Bá Dương là người đầu tiên khởi xướng việc thả hoa trên sông Thạch Hãn vào mỗi dịp 27-7 hàng năm. Vào những năm 80, cứ ngày này từ Nha Trang ông lại nhảy tàu ra Quảng Trị, bỏ tiền túi mua hết hoa ở các chợ gần đấy, thả xuống sông Thạch Hãn viếng đồng đội. Từ cái việc đầy ân tình ban đầu của ông, sau đó tỉnh Quảng Trị đã chính thức lấy ngày 27-7 để toàn dân thả hoa xuống sông Thạch Hãn viếng các liệt sĩ.
 
Theo hồi ức của ông, bài thơ được “viết” vào chiều 27-7-1987. Về nguyên bản bài thơ đầu tiên được thốt ra như thế này: 
 
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
 
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
 
Tan chợ chiều xuôi đò có vội
 
Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong.
 
Viết vậy bởi hôm đó, sau lễ hương hoa cho đồng bào, đồng đội, ông một mình ngồi lặng lẽ bên bờ Thạch Hãn, chợt thấy từng chiếc thuyền của cô bác ngược dòng lên chợ Quảng Trị. Nhìn những mái chèo hối hả khuấy tung bọt nước, chạnh lòng khi nghĩ đến bạn bè, đồng đội vẫn còn gửi thân xác vào đáy sông mà xót xa. Cứ vậy từng lời như từ trong ngực mà ông thốt ra thành câu, thành chữ như vậy thành bài thơ - đúng hơn là lời nhắn gửi, thỉnh cầu của một người lính với mọi người trong dòng đời xuôi ngược. 
 
Câu thơ bật ra tự đáy lòng, ông không gửi đăng ở đâu mà chỉ khi có dịp ngồi với bạn bè đọc cho nhau nghe. Bạn bè ông góp ý nên sửa một số câu chữ, và lần đầu tiên trên tạp chí Khoa học công nghệ Khánh Hòa số kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-1990, bài thơ xuất hiện với tiêu đề “Lời người bên sông”. Nguyên văn bài thơ: 
 
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
 
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
 
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
 
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
 
Có lẽ do bài thơ là tiếng lòng chung cho mọi người, đặc biệt còn được gắn với việc một người lính hàng năm một đôi lần về thắp hương thả hoa cho đồng bào, đồng đội. Vì vậy, từ khi xuất hiện trên báo bài thơ đã được mọi người chú ý. Người này nhớ một vài câu, người khác nhớ cả bài 4 câu, nhưng thường thì mọi người nhớ và thay một vài chữ theo cảm nhận của mình…
 
Trả lại tên cho tác giả
 
Con sông Thạch Hãn thời chiến tranh là dòng sông máu, nhưng bây giờ đã trở thành dòng sông hoa để người dân cả nước tụ họp về đây mỗi dịp tháng Bảy về để tri ân, tưởng nhớ người thân nằm lại đâu đó trên khắp các chiến trường xưa để Tổ quốc ta yên bình ngày nay! Cũng vì lý do đó, trong ý tưởng ban đầu của những người thiết kế Khu tưởng niệm và Bến thả hoa ở hai bờ dòng Thạch Hãn là phải có tấm bia đá với 4 câu thơ của Lê Bá Dương!
 
Ấy thế mà, vào cuối năm 2010 khi khánh thành, tên của tác giả Lê Bá Dương dưới bài thơ 4 câu nổi tiếng ở bia đá Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn đã bị đục bỏ, trám vào chỗ tên tác giả là một bông hoa. Còn bia bờ Nam thì không có tên tác giả và câu chữ cũng không đúng với nguyên bản. Khi đó rộ lên tin đồn là 4 câu thơ đó không phải của ông hoặc có những nghi ngờ chi về những chuyện đằng sau của tác giả(!)
 
Lê Bá Dương đã phải làm một việc “cực chẳng đã” là lập hồ sơ đăng ký bản quyền bài thơ “Lời người bên sông”. Ngày 2-12-2013, Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cấp Giấy chứng nhận quyền đăng ký tác giả cho ông. Tiếp đó, ông có kiến nghị với tỉnh Quảng Trị, đề nghị khôi phục tên tác giả trên bia đá và điều chỉnh từ in sai với nguyên bản.
 
Phải mất gần 5 năm, ngày 14-8-2018 Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Trị mới có công văn số 898/SVHTTDL-QLVH gửi ông Lê Bá Dương. Công văn thông báo UBND thị xã Quảng Trị đã giải trình những sai sót trong việc khắc bài thơ trên bia đá và chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục. Cụ thể là khắc lại tên tác giả Lê Bá Dương và điều chỉnh 2 từ khắc sai so với nguyên bản trên bia đá bờ Nam và Bắc sông Thạch Hãn. Thời gian hoàn thành trong tháng 8-2018. 
 
Một việc rõ ràng như vậy mà cũng mất gần 5 năm. Và văn bản cũng không một lời giải thích lý do vì sao, cũng không một câu xin lỗi tác giả!
 
Nhưng mà thôi, dù sao cũng là kết thúc có hậu. Bởi với ông, kể từ khi 4 câu thơ ấy bật ra khỏi lồng ngực cho đến nay, luôn luôn ông coi đó là tiếng lòng của ông với đồng đội, với bạn bè, và lớn hơn là một phần với lịch sử đất nước.
 
Thủy Ngân