Từ nguồn kinh phí tham quan, nguồn thu công đức, hàng chục di tích xuống cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã, đang và sẽ được trùng tu, tôn tạo.
Từ nguồn kinh phí tham quan, nguồn thu công đức, hàng chục di tích xuống cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã, đang và sẽ được trùng tu, tôn tạo.
Nhiều di tích được trùng tu
Đình Phước Đa (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Từ năm 2010, đình đã bị xuống cấp nhiều hạng mục, địa phương đã vận động người dân nhưng chỉ đủ kinh phí để sửa chữa một số hạng mục nhỏ. Năm 2016, các kết cấu công trình của đình đã không còn đảm bảo, trong khi địa phương không có kinh phí để trùng tu, sửa chữa. Trước thực trạng đó, địa phương đã có văn bản gửi Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đề nghị được hỗ trợ kinh phí. Sau khi khảo sát, trung tâm đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) hỗ trợ 100% kinh phí hơn 358 triệu đồng để trùng tu đình. “Người dân trong vùng rất vui mừng khi đình được trùng tu kịp thời. Từ đó đến nay, đình đã phát huy công năng của một nơi sinh hoạt cộng đồng”, ông Hồ Duy Tuyên - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hiệp cho biết.
Đình Phú Cấp (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, do không có kinh phí trùng tu nên nhiều năm qua đình không phát huy được công năng sử dụng. Tháng 3-2017, UBND xã Diên Phú đã lập hồ sơ thiết kế tu bổ di tích đình Phú Cấp. Sau khi tiến hành thẩm định hồ sơ, Sở VH-TT đã hỗ trợ xã 380 triệu đồng trên tổng số kinh phí dự toán là 480,5 triệu đồng để trùng tu đình. Hiện nay, đình Phú Cấp đã trùng tu xong và trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của người dân trong làng.
Qua tìm hiểu được biết, từ tháng 7-2016, Sở VH-TT đã thực hiện việc trùng tu, tôn tạo di tích cấp tỉnh xuống cấp giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn thu công đức tại di tích Tháp Bà Ponagar. Theo đó, năm 2016, đã có 3 di tích cấp tỉnh bị xuống cấp được hỗ trợ kinh phí trùng tu với số tiền 503 triệu đồng. Năm 2017, có 21 di tích được đưa vào danh mục hỗ trợ trùng tu, tôn tạo. Trong đó, đã thực hiện hỗ trợ kinh phí tu bổ cho 8 di tích ở huyện Diên Khánh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng. Đến thời điểm này, ngành VH-TT đang thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ tu bổ 4 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, sở cũng đã cấp kinh phí sửa chữa đối với 14 di tích bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 12 cuối năm 2017 với tổng số tiền 491 triệu đồng.
Lấy di tích sửa di tích
Theo ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở VH-TT, việc cấp kinh phí trùng tu, sửa chữa các di tích bị xuống cấp đã được thực hiện từ nhiều năm. Nhưng trước đây, mức kinh phí hỗ trợ cho mỗi di tích rất ít. Từ năm 2016 đến nay, sở đã sử dụng một phần nguồn thu công đức tại di tích Tháp Bà Ponagar để trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp. Sở đã đề nghị các địa phương xem xét danh mục di tích hỗ trợ, có văn bản thỏa thuận với sở để tổ chức triển khai việc trùng tu, tôn tạo. Ban đầu, định mức là 40% tổng dự toán, nhưng không quá 300 triệu đồng đối với mỗi di tích, sau đó được nâng lên 60% tổng dự toán, nhưng không quá 500 triệu đồng đối với mỗi di tích. Tuy nhiên, cũng có những di tích được hỗ trợ 100% kinh phí trùng tu, sửa chữa sau khi có sự xem xét kỹ lưỡng các yếu tố cụ thể.
Ngoài việc chủ động nguồn kinh phí, quy trình đối với việc trùng tu, tôn tạo các di tích cũng được thực hiện một cách chặt chẽ. Các di tích phải được địa phương lập hồ sơ thiết kế, tu bổ, phương án thi công theo đúng quy định. Trong đó, bắt buộc đơn vị thiết kế, thi công phải có chứng chỉ hành nghề về sửa chữa, xây dựng các công trình kiến trúc văn hóa. Điều này đã hạn chế được những sai sót trong quá trình thiết kế, thi công. “Những di tích nào xuống cấp nghiêm trọng thì được trùng tu, tôn tạo trước. Địa phương phải có kinh phí tự chủ và có thể huy động sự đóng góp của người dân. Mỗi di tích trong quá trình trùng tu phải có sự giám sát chặt chẽ của sở và phải làm đúng theo hồ sơ thiết kế”, ông Nguyễn Khắc Hà cho biết.
Giang Đình
Đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 16 di tích cấp quốc gia và 172 di tích cấp tỉnh. Hầu hết các di tích cấp quốc gia đều đã được trùng tu, tôn tạo và phát huy được giá trị.
Căn cứ Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 đã được thông qua tháng 12-2017, trong đó đồng ý cho sử dụng nguồn phí tham quan di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng để tu bổ các di tích xuống cấp, mới đây, Sở VH-TT đã có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị phê duyệt danh mục hỗ trợ tu bổ di tích từ nguồn phí tham quan giai đoạn 2018 - 2020. Từ nguồn kinh phí này, sẽ có thêm 30 di tích được trùng tu, sửa chữa với tổng mức dự kiến hơn 23,9 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ nguồn phí tham quan hơn 13 tỷ đồng, số còn lại do các địa phương đóng góp.