09:06, 22/06/2018

Thiếu kinh phí dựng vở

Kinh phí ít, việc dàn dựng các vở diễn mới của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh rơi vào cảnh "liệu cơm gắp mắm". Mỗi lần dựng vở, nhà hát phải vận dụng mọi điều để có thể cho ra đời tác phẩm hoàn chỉnh.

Kinh phí ít, việc dàn dựng các vở diễn mới của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh rơi vào cảnh “liệu cơm gắp mắm”. Mỗi lần dựng vở, nhà hát phải vận dụng mọi điều để có thể cho ra đời tác phẩm hoàn chỉnh.


Trong hoạt động của Nhà hát NTTT tỉnh, việc dàn dựng các vở diễn mới hoặc phục dựng các vở diễn từng có là một nhiệm vụ trọng tâm hàng năm. Thời gian qua, mỗi lần dựng vở là Ban giám đốc nhà hát phải đau đầu suy tính. Bởi với nguồn kinh phí hạn hẹp được cấp từ ngân sách, yêu cầu đặt ra cho nhà hát là phải vừa đảm bảo dựng được vở diễn có chất lượng, vừa tiết kiệm tối đa các khoản chi.

 

Một cảnh diễn cần hiệu ứng ánh sáng sân khấu tốt để làm nổi bật được ý đồ nhân vật trong vở Phù vân.

Một cảnh diễn cần hiệu ứng ánh sáng sân khấu tốt để làm nổi bật được ý đồ nhân vật trong vở Phù vân.


Theo NSƯT Trần Nhật Lệ - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh, năm 2018, nhà hát được cấp 400 triệu đồng để dựng vở diễn dân ca kịch Phù vân. Sau khi thực hiện tiết kiệm chi 10% thì số tiền thực tế để dựng vở chỉ còn 360 triệu đồng. Số kinh phí trên chỉ bằng 1/2 so với kinh phí được cấp để dựng vở của các nhà hát khác trong khu vực Nam Trung bộ. Kinh phí ít, nên tiền để may phục trang cũng chỉ có 50 triệu đồng, đủ để đặt may mới 3 bộ phục trang cho 3 vai nữ. Còn các vai diễn vua, quan, quần chúng đều phải tận dụng lại phục trang cũ.


Với số kinh phí eo hẹp như trên, những người tham gia việc dựng vở cũng đành lấy cái tâm, cái tình của mình với nhà hát, với NTTT mà làm là chính. “Tôi xuất thân từ nhà hát, thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát bây giờ cũng là những người em, những học trò. Vì thế, khi được nhà hát mời dàn dựng vở, tôi cũng không có sự so đo về mặt tiền bạc. Bởi tôi biết nhà hát có những cái khó riêng”, NSƯT Hoàng Minh Tâm chia sẻ. Cũng vì kinh phí ít nên khi bắt tay vào dàn dựng vở Phù vân, ông đã phải đắn đo, cân nhắc rất nhiều về mặt cảnh trí. Thay vì tả thực theo kiểu mỗi cảnh diễn được bày trí không gian riêng thì ông đã thực hiện việc dựng cảnh trí mang tính ước lệ. Cũng may nó mang lại hiệu ứng tốt. Riêng phần thiết kế mỹ thuật của vở diễn, chỉ vẻn vẹn có 25 triệu đồng thì không thể có được cảnh trí hoành tráng.


Theo nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức, trước những khó khăn của nhà hát, ông cũng chia sẻ để cùng nhau vượt qua. Điều quan trọng là có thể đóng góp được điều gì đó cho nền NTTT của tỉnh.


Cái khó về kinh phí thực sự đã làm ảnh hưởng rất lớn đến yếu tố nghệ thuật trong vở diễn. Chẳng hạn có những cảnh rất cần có hiệu ứng ánh sáng đặc sắc để làm bật nổi ý đồ nhân vật, nhưng đáng tiếc là nhà hát hiện tại chưa được trang bị một chiếc đèn kỹ xảo ánh sáng. Hay toàn vở diễn không có một ca khúc riêng, bởi để có một ca khúc như thế cũng phải mất khoảng 20 - 25 triệu đồng để đặt hàng các nhạc sĩ.


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, nguồn kinh phí hạn hẹp cho việc dựng vở là thực trạng đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng để tháo gỡ được vấn đề này rất khó khăn. Chính vì thế, nhà hát đành phải tự “liệu cơm gắp mắm” cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, điều này cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng vở diễn, nên sau khi dựng xong nhà hát thường đưa đi biểu diễn phục vụ công chúng; còn nếu muốn tham gia các hội diễn sân khấu phải tiếp tục có sự đầu tư thêm để dần hoàn thiện. Đầu tư cho văn hóa nghệ thuật, nhất là với NTTT là những khoản đầu tư mang tính lâu dài, bền vững, nên nếu có sự đầu tư tốt thì trong tương lai chúng ta sẽ có được những tác phẩm để đời cho các thế hệ sau.


Giang Đình