Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều thiết chế văn hóa xã, thôn được xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh những thiết chế hoạt động có hiệu quả, có không ít thiết chế chưa phát huy hết tác dụng, gây khó khăn trong công tác quản lý cơ sở vật chất.
Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều thiết chế văn hóa xã, thôn được xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh những thiết chế hoạt động có hiệu quả, có không ít thiết chế chưa phát huy hết tác dụng, gây khó khăn trong công tác quản lý cơ sở vật chất.
Nhiều thiết chế hoạt động “xuân thu nhị kỳ”
Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Trung, toàn xã có khoảng 9.000 dân với 5 thôn. Xã có 3 thiết chế văn hóa mới được xây dựng theo chương trình xây dựng nông thôn mới, được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ. Đó là Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) xã và 2 nhà văn hóa thôn Võ Cang và Võ Dõng. Trung tâm VH-TT xã từ khi đi vào hoạt động đến nay chưa thu hút được phong trào quần chúng tham gia nhiều, chưa sử dụng hết công năng. Lâu nay, trung tâm này chỉ có 1 câu lạc bộ cầu lông, xã thường xuyên mở cửa để người dân luyện tập, vui chơi. Riêng 2 nhà văn hóa thôn 6 tháng mới mở cửa họp thôn 1 lần, hoặc có cuộc họp nào đột xuất thì nhà văn hóa thôn mới mở cửa. Phong trào văn hóa thôn yếu nên cũng không có hoạt động gì được tổ chức tại nhà văn hóa thôn. Các nhà văn hóa thôn đóng cửa thường xuyên nên gặp khó khăn trong bảo quản tài sản, có nguy cơ bị mất trộm. Thiết bị âm thanh Nhà Văn hóa thôn Võ Cang phải bỏ vào kho khóa lại nhưng cũng không yên tâm. Thiết bị âm thanh Nhà Văn hóa thôn Võ Dõng, trưởng thôn mang về nhà cất, khi nào có việc mới mang đến.
“Công tác quản lý các nhà văn hóa thôn, trung tâm VH-TT xã đa phần do cán bộ xã kiêm nhiệm; trình độ cán bộ văn hóa xã cũng hạn chế nên chưa khơi dậy được phong trào quần chúng. Do không có kinh phí nên không tổ chức được phong trào văn hóa có hiệu quả. Vì vậy, thiết chế văn hóa trên địa bàn xã hoạt động chưa hiệu quả”, ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung nói.
Ông Lê Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho hay, thời gian qua, Trung tâm VH-TT của xã và 7 nhà văn hóa thôn được xây mới. Trung tâm đã thu hút được các câu lạc bộ bóng chuyền, bóng đá đến luyện tập, vui chơi. Tuy nhiên, chỉ mới dừng lại ở hoạt động vui chơi theo nhóm tự phát, chất lượng thấp, chưa tạo dựng được phong trào bài bản, có tổ chức. Các nhà văn hóa thôn sử dụng chưa hết công năng, ngoài họp thôn thỉnh thoảng có một vài câu lạc bộ đến sinh hoạt, còn hầu như thường xuyên đóng cửa, gây khó khăn cho việc bảo quản tài sản. “Vừa qua, xã đã đề nghị thành phố cấp cho 8 bộ tập thể dục dụng cụ để lắp đặt tại các trung tâm, nhà văn hóa thôn nhằm thu hút người dân đến vui chơi, tập thể dục thể thao”, ông Mỹ nói.
Khó khăn trong tổ chức hoạt động
Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Nha Trang, thành phố có 6/8 trung tâm VH-TT được xây dựng theo chương trình nông thôn mới. 6 trung tâm này đang trong quá trình hoàn thiện, gặp nhiều khó khăn trong tổ chức và hoạt động. Các trung tâm đều thành lập ban chủ nhiệm, trong đó 2 trung tâm do phó chủ tịch UBND xã làm chủ nhiệm, 4 trung tâm do công chức văn hóa xã làm chủ nhiệm. Tuy nhiên, hầu hết các ban chủ nhiệm đều chưa hoạt động theo đúng quy chế đề ra. Có ban chủ nhiệm thành lập theo quy định ban đầu nhưng thực tế không hoạt động gì. Về chính sách, các ban chủ nhiệm chưa được hưởng phụ cấp. Các trung tâm đều có cộng tác viên, tuy nhiên, cộng tác viên hầu như không có chuyên môn về VH-TT, cũng không có quy định về chế độ nên chỉ có tên mà không tham gia.
Đối với thôn, toàn thành phố có 33 thiết chế VH-TT được xây dựng cho 43 thôn, có 6 thôn sử dụng ghép với trung tâm VH-TT xã. 33 thiết chế văn hóa, thể thao thôn đều có thành lập ban chủ nhiệm và đứng đầu là trưởng thôn. Hiện nay, ban chủ nhiệm đều không có chế độ gì, không có kinh phí hoạt động. Do đó, hầu hết là không duy trì hoạt động thường xuyên, chỉ hoạt động khi có nhiệm vụ...
Trong thời gian tới, thiết nghĩ, việc xây dựng các thiết chế văn hóa xã, thôn không nên quá chú trọng vào số lượng, mà phải linh động thiết lập theo hướng tận dụng các thiết chế văn hóa có sẵn, hoặc xây dựng kết hợp sao cho phù hợp với thực tiễn để hoạt động có hiệu quả. Các địa phương cần quan tâm hơn đến hoạt động VH-TT; duy trì và phát triển các câu lạc bộ văn hóa, thể dục, thể thao trong quần chúng. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các phong trào, có như vậy mới thu hút được đông đảo người dân tham gia, phát huy công năng các thiết chế văn hóa cơ sở.
Lưu Khánh