Nhà thơ Giang Nam cho biết, đến nay, ông đã viết tổng cộng 16 bài thơ về Bác Hồ và ông coi đó như tài sản vô giá của mình.
Nhà thơ Giang Nam cho biết, đến nay, ông đã viết tổng cộng 16 bài thơ về Bác Hồ và ông coi đó như tài sản vô giá của mình.
3 bài thơ tâm đắc nhất
Từ năm 1963, nhà thơ Giang Nam đã có những sáng tác về đề tài Bác Hồ. Đến bây giờ, nguồn cảm xúc về Bác vẫn chưa hề vơi cạn trong tâm trí ông. 16 tác phẩm thơ đã được sáng tác và in ấn trên các trang báo, tạp chí văn nghệ Trung ương và địa phương là minh chứng cho tình cảm ấy của nhà thơ. Ông chia sẻ: “Đối với tôi, những gì liên quan đến Bác Hồ đều rất thiêng liêng. Dù chưa một lần được gặp Bác, nhưng trong sáng tác của mình tôi chưa bao giờ rời xa hình ảnh của Bác. Bắt gặp bất cứ một kỷ niệm nào về Bác, tôi đều có xúc cảm để viết nên những vần thơ”.
Mỗi bài thơ về Bác của nhà thơ Giang Nam đều thể hiện những góc nhìn, những tình cảm tinh tế và có đời sống riêng. Trong đó, có 3 bài thơ ông cảm thấy tâm đắc nhất gồm: Mùa xuân ấy, Rừng trưa, Con về quê Bác. Ông cho biết, đây là 3 bài thơ được sáng tác từ năm 1995 đến 1998. Ông viết bài Mùa xuân ấy khi đang ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), khắc họa nên không gian, thời gian, cũng như phong cách giản dị gần gũi của Bác khi tham gia trồng cây ở Ba Vì vào ngày 16-2-1969. Từ hình ảnh Bác Hồ trồng cây, ông đã nối mạch thơ liên tưởng đến việc Bác trồng người. Nếu như “Bác trồng cây cho mai sau/Cho xanh đất nước một màu Trường Sơn” thì việc trồng người của Bác lại mang đến “Mỗi mùa xuân đến mưa bay/Bao thế hệ như rừng cây Bác trồng”. Để kết lại bài thơ, tác giả đã khái quát tư tưởng của Bác một cách nhẹ nhàng: “Một mùa xuân đến thiêng liêng/Trồng cây, Bác dặn đừng quên trồng người”.
Lấy cảm hứng từ hình ảnh Bác Hồ đi theo bộ đội để lên cao điểm thị sát chiến trường, cùng với đó là ý thơ của nhà thơ Tố Hữu đã viết “Người đi rừng núi trông theo bóng Người”, nhà thơ Giang Nam viết nên bài Rừng trưa vào năm 1998. “Bác dừng chân bên suối/Trưa rừng rộn tiếng ve/Vẳng nghe tiếng thác đổ/Thức dậy cả mùa hè”. Cảnh vật thiên nhiên núi rừng Việt Bắc tươi đẹp như vậy, nhưng vì Bác phải lo toan việc nước, việc dân, việc chỉ đạo chiến trận nên đâu có thời gian để thưởng lãm. Giữa rừng trưa, Bác chỉ có một khoảng thời gian thật ít để tranh thủ chợp mắt. Chính chi tiết này đã tạo nên niềm xúc cảm sâu sắc, qua đó cho thấy những tình cảm, suy tư của một người con đối với vị cha già của dân tộc. Và nhà thơ đã nhẹ nhàng: “Ve ơi, thôi đồng vọng/Bác đã thức nhiều đêm/Mười phút Bác rất ngắn/Hãy để rừng lặng im”.
Ngày 19-5-1998, Báo Nhân Dân có đăng bài thơ Con về quê Bác của nhà thơ Giang Nam. Đó là những bồi hồi, rung động của nhà thơ trong lần được về thăm quê Bác, nhìn thấy những vật dụng đơn sơ từng gắn bó với một thời tuổi trẻ của Bác, thấy được những điều đã hun đúc nên nhân cách, phong thái, hoài bão, ước mơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Để rồi “Tàu qua quê Bác giữa trưa/Nhớ thương theo mãi bây giờ - mai sau”.
“Thơ Giang Nam viết có tình”
Năm 1963, nhà thơ Giang Nam vinh dự được cử tham gia đoàn đại biểu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra Hà Nội. Nhưng lúc đó, do đang bận công tác nên ông không đi được nên đã không có dịp được gặp Bác. Trong hồi ký của nhà thơ Thanh Hải - người đã được gặp Bác Hồ vào thời điểm đó có đoạn viết về buổi gặp gỡ đó và lời khen của Bác dành cho nhà thơ Giang Nam đó là: “Thơ Giang Nam viết có tình”. “Lời của Bác đã đi theo suốt cuộc đời tôi, trở thành kim chỉ nam cho sáng tác của tôi. Tôi hiểu rằng Bác khuyên đừng giả dối, thơ là phải tấm lòng thật của mình. Và đến bây giờ, mỗi lần tôi đặt bút viết bất cứ một bài thơ nào thì cũng xuất phát từ chính rung động trong lòng mình. Mình phải viết sao cho người đọc cũng phải xúc động như mình”, nhà thơ Giang Nam chia sẻ.
Có lẽ vì thế, nên sau tác phẩm đỉnh cao Quê hương thì rất nhiều sáng tác sau này của nhà thơ Giang Nam đều thấm đẫm tình cảm, tình yêu và những rung động sâu sắc nhất. Riêng mạch cảm xúc thơ về Bác Hồ trong sáng tác của ông khá đa dạng. Từ những bài nói lên tình cảm, suy nghĩ của những người con miền Nam đối với Bác đến những bài ghi lại dấu ấn về những nơi Bác đã đến, những sự kiện Bác đã tham gia. Không gian thơ cũng trải dài, mở rộng từ những địa danh trong nước đến những địa chỉ ở nước ngoài. Thời gian thơ khi lùi sâu về quá khứ, khi diễn tả ở thì hiện tại, nhưng nhiều nhất vẫn là những bài thơ được tác giả sử dụng thủ pháp đồng hiện. Từ hiện tại, tác giả nói về chuyện đã qua gắn liền với Bác để thể làm toát lên những giá trị nhân văn, cao cả của Người.
Giang Đình