11:05, 08/05/2018

Có một không gian văn hóa đặc sắc

Mỗi lần đến lễ hội Tháp Bà Ponagar, người dân và du khách lại được hưởng một không gian văn hóa có một không hai của mảnh đất Nam Trung bộ, đó là sự giao thoa của 2 nền văn hóa Chăm và Việt miền biển. Ngày khởi lễ, rước y trang Thánh Mẫu quả thực là đặc sắc. Nhiều người cho rằng đây mới là hồn cốt của lễ hội đích thực, do người dân thể hiện.

Mỗi lần đến lễ hội Tháp Bà Ponagar, người dân và du khách lại được hưởng một không gian văn hóa có một không hai của mảnh đất Nam Trung bộ, đó là sự giao thoa của 2 nền văn hóa Chăm và Việt miền biển. Ngày khởi lễ, rước y trang Thánh Mẫu quả thực là đặc sắc. Nhiều người cho rằng đây mới là hồn cốt của lễ hội đích thực, do người dân thể hiện.

 

Ngoài lễ với cảnh rước, cung nghinh, hiến lễ hay dâng hương Thiên y Thánh Mẫu thì màn biểu diễn văn nghệ của các nghệ sĩ dân gian để dâng Thánh Mẫu cũng như phục vụ bà con hành hương thực sự đem lại cho mọi người sự ngỡ ngàng. Bởi, không ở đâu trên sân khấu lễ hội dân gian hội tụ nhiều loại hình biểu diễn đặc sắc đến như vậy!

 

Một màn biểu diễn của các nghệ sĩ dân gian biểu diễn tại lễ hội Tháp Bà được công chúng rất thích.

Một màn biểu diễn của các nghệ sĩ dân gian biểu diễn tại lễ hội Tháp Bà được công chúng rất thích.

 

Ấn tượng nhất là màn hát bóng do những người dân ở làng biển quanh Nha Trang biểu diễn. Đây chính là hậu duệ của lớp cha ông hơn trăm năm trước đã từng diễn ở mảnh đất này. Vì thế, địa danh Cầu Bóng, hay Xóm Bóng phát nguyên từ những màn diễn dâng hiến cho Thánh Mẫu chính là yếu tố này (nhà thơ Quách Tấn đã diễn giải trong Xứ Trầm hương). Nhiều người không hiểu vì sao người dân Nha Trang - Khánh Hòa lại làm sống được màu sắc biểu diễn hát lên đồng - chầu văn của làng quê Bắc bộ, nhưng thực ra đã từ lâu, trong tiềm thức cũng như sự hưởng thụ nền văn hóa của người dân vẫn âm thầm như dòng chảy liên tục theo ước vọng của con người. Tại  lễ hội Tháp Bà, có thể các nghệ sĩ dân gian chưa diễn được những giá đồng mẫu mực đã thành di sản như: Ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, Văn Cô bé,  Cô bé Thượng Ngàn, Văn Thánh Mẫu…, nhưng hương vị chầu văn là có. Do đó, sân khấu biểu diễn của các đoàn chầu văn này thực sự là linh hồn tinh thần cho hội. Còn công chúng, với đủ các thành phần già trẻ, thẩm thấu hình ảnh, âm thanh cùng vũ điệu của nghệ sĩ vào lòng mình một cách say sưa, nhiệt tình.


Cùng với chầu văn thì sân khấu ở lễ hội Tháp Bà còn có hát vè, bài chòi, tuồng cổ (hát án), hay các màn múa kiểu cúng lễ từ các đình làng ở Khánh Hòa nên rất đặc sắc. Ngoài sự nhiệt huyết của diễn viên dân gian, một yếu tố khiến cho các màn biểu diễn trở nên có sức hút với công chúng đó là sự nghiêm cẩn của các thành viên từ trang phục công phu, đạo cụ chuẩn mực…


Từ sân khấu lễ hội Tháp Bà, chúng ta có thể rút ra được một điều, đó là phải thay đổi nhận thức đánh giá về văn hóa dân gian, câu nói “cái gì của nhân dân sáng tạo và bảo tồn thì sẽ mãi mãi còn”, hay “lễ hội của nhân dân thì để cho nhân dân tổ chức”. Nền du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đang có một báu vật văn hóa vô giá, nó cùng với lễ hội cúng đình làng biển, nghinh ông trở thành quần thể văn hóa quá hay. Trong khi đó, lâu nay nhiều người Nha Trang, trong đó có những nhà quản lý văn hóa ít chịu ngồi thưởng thức nhân dân trình diễn nên chưa đánh giá đúng, cảm nhận được hồn cốt về lễ hội này.


Đã đến lúc chúng ta cần hỗ trợ, tạo điều kiện để lễ hội Tháp Bà xứng đáng trở thành một di sản văn hóa đặc sắc, tạo không gian rộng lớn hơn cho các nghệ sĩ dân gian thể hiện, từ đó chắc chắn sẽ thu hút công chúng tham dự và hưởng thụ. Thiết nghĩ, tại sao ngành Văn hóa hoặc Du lịch không mời các đoàn dân gian tự phát biểu diễn ở lễ hội làng, đình tới Quảng trường 2-4 biểu diễn cho du khách xem?


Dương Trang Hương