Hơn 6 năm nay, người dân và du khách ở Nha Trang đã quen thuộc với chương trình biểu diễn đường phố của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Hòa cùng nhịp sống phố phường cũng là cách để giới thiệu đến khán giả những tinh hoa của nghệ thuật tuồng và dân ca bài chòi.
Hơn 6 năm nay, người dân và du khách ở Nha Trang đã quen thuộc với chương trình biểu diễn đường phố của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Hòa cùng nhịp sống phố phường cũng là cách để giới thiệu đến khán giả những tinh hoa của nghệ thuật tuồng và dân ca bài chòi.
Đến gần hơn với khán giả
Đã trở thành thói quen, mỗi tối cuối tuần, bà Trần Thị Lành (đường Hát Giang, TP. Nha Trang) lại ra khu vực phía trước Trung tâm Hội nghị 46 Trần Phú để xem biểu diễn NTTT. “Ra đây vừa ngồi hóng mát, gặp gỡ trò chuyện với mọi người và còn được xem diễn kịch, nghe hát. Tôi xem nhiều lần nên quen rồi, tuần nào không diễn hay không đi xem được lại thấy thiếu ”, bà Lành bộc bạch. Ông Hồ Quốc Nam làm nghề cơ khí trên đường 23-10 chia sẻ: “Hàng ngày, công việc của tôi khá vất vả nên cũng ít khi được đi xem hát. Ngày cuối tuần, dẫn vợ con đi dạo, tranh thủ ghé vào xem diễn thấy cũng hay. Con gái tôi thích xem các diễn viên diễn nên từ 1 năm nay gần như tuần nào cha con tôi cũng đến xem”.
Du khách cũng phản hồi tích cực với hình thức nghệ thuật này. “Lâu lắm rồi tôi mới được xem diễn tuồng. Cuộc sống gấp gáp, nhiều người không có thời gian để xem hết một vở diễn của sân khấu truyền thống. Việc đưa các trích đoạn diễn trong thời gian ngắn như thế này rất phù hợp với khách du lịch như tôi”, chị Hoàng Thị Thanh Thùy - du khách đến từ Hà Nội cho biết. Ngay cả những vị khách nước ngoài cũng chăm chú theo dõi các đêm diễn. Có thể họ không hiểu được ngôn ngữ, nhưng qua âm nhạc và kỹ năng biểu diễn của các diễn viên, họ vẫn cảm nhận được cái hồn của vở diễn và dành tặng nhiều khen ngợi. “Xem diễn thế này cũng thú vị. Trang phục của các diễn viên rất đẹp, lạ mắt. Động tác biểu diễn rất dễ hiểu. NTTT của các bạn quả rất độc đáo”, anh Konstantin - du khách Nga cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, NSƯT Trần Nhật Lệ - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết, từ năm 2012, nhà hát xây dựng các chương trình, tiết mục mang tính chất nghệ thuật đường phố để biểu diễn ở khu vực số 46 Trần Phú. Trước thực tế nghệ thuật tuồng và dân ca bài chòi ngày càng ít khán giả thì việc đơn vị tìm cách đến gần hơn với khán giả là điều nên làm. Đó cũng là cách để giữ gìn và phát huy NTTT”. Còn NSND Thu Hà cho rằng, với người diễn viên thì diễn ở đâu không quan trọng bằng việc diễn có khán giả theo dõi. Khán giả vẫn đón nhận các tiết mục biểu diễn là niềm vui đối với người nghệ sĩ.
Nỗ lực làm mới
NSƯT Trần Nhật Lệ cho biết, qua từng năm, việc xây dựng chương trình cho các đêm diễn đường phố ngày càng được đầu tư theo hướng chuyên sâu hơn để có thể giới thiệu đến khán giả nhiều hơn những nét tinh hoa, đặc sắc của sân khấu tuồng, dân ca bài chòi.
Năm 2018, đoàn tuồng có 3 chương trình, đoàn dân ca có 6 chương trình để diễn vào các tối cuối tuần. Đã có sự xuất hiện nhiều hơn của các trích đoạn sân khấu tuồng hay những hoạt cảnh, màn diễn của dân ca kịch bài chòi trong các chương trình. “Chúng tôi cố gắng đưa nhiều trích đoạn sân khấu vào trong các đêm diễn để giới thiệu được nhiều hơn những cái hay, cái đẹp của NTTT. Các trích đoạn phải vừa ngắn gọn, cô đọng, súc tích để phù hợp với thời lượng đêm diễn, nhưng lại phải vừa toát lên được ý nghĩa đặc sắc, cũng như những miếng diễn độc đáo”, NSƯT Trần Nhật Lệ chia sẻ.
Theo bà Hoàng Yến - Giám đốc Nhà hát NTTT, các nghệ sĩ, diễn viên luôn nỗ lực làm mới các chương trình biểu diễn đường phố. Vì thế, chất lượng nghệ thuật của các tiết mục vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, với mức kinh phí 40 triệu đồng mỗi năm, việc đầu tư cho tiết mục phục vụ biểu diễn đường phố còn eo hẹp. Mức thù lao cho đội ngũ nhạc công, nghệ sĩ, diễn viên, hậu đài và chi phí tiền điện, tiền bảo vệ mỗi đêm 8,5 triệu đồng đã cao hơn trước, nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung.
Có thể thấy, việc đưa NTTT xuống phố là chủ trương đúng để vừa có thêm các hoạt động biểu diễn về đêm, vừa giới thiệu bản sắc truyền thống đến mọi người, nhất là ở thành phố du lịch như Nha Trang. Nhưng để duy trì và phát triển loại hình này cần có thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp.
GIANG ĐÌNH
Chương trình biểu diễn của đoàn Tuồng có các tiết mục mới: Múa Bóng; trích đoạn Tiết Giao đoạt ngọc; trích đoạn Hai Bà Trưng đề cờ khởi nghĩa; múa kiếm; trích đoạn Hàn Công câu cá; trích đoạn Đánh ghen trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến; múa Tụ nghĩa; trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội; múa dâng rượu; trích đoạn Huê Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ; hóa trang mặt nạ Tuồng.
. Đoàn Dân ca có 6 chương trình gồm các tiết mục như: Hoạt cảnh Chuyện đời anh bán tò he; độc tấu sáo mèo Xuân về trên bản; hát Lý ngựa ô khu 5; hoạt cảnh Biển hẹn; trích đoạn Thị Mầu anh Nô; độc tấu đàn kìm Chung một niềm tin; hát Khánh Hòa quê em; nhạc hòa tấu Kachiusa, Ngựa ô Nam Bộ; trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân; các màn diễn trong vở Thoại Khanh Châu Tuấn; độc tấu đàn bầu Vì miền Nam; hoạt cảnh Xuân quê; hội chơi bài chòi; kịch ngắn dân ca Chuyện tình Thị Nở.