Kể từ khi thành lập năm 2004 cho đến nay, lượng người dùng mạng xã hội Facebook (fb) tăng lên không ngừng với ước chừng 1,8 tỷ người dùng trên thế giới. Ở Việt Nam, theo số liệu năm 2017, có hơn nửa dân số tham gia. Với mục đích ban đầu là để chia sẻ thông tin, kết nối xã hội gần nhau hơn, nhưng cho đến nay, fb phát triển có vẻ như đã vượt khỏi mong muốn của người sinh ra nó...
Kể từ khi thành lập năm 2004 cho đến nay, lượng người dùng mạng xã hội Facebook (fb) tăng lên không ngừng với ước chừng 1,8 tỷ người dùng trên thế giới. Ở Việt Nam, theo số liệu năm 2017, có hơn nửa dân số tham gia. Với mục đích ban đầu là để chia sẻ thông tin, kết nối xã hội gần nhau hơn, nhưng cho đến nay, fb phát triển có vẻ như đã vượt khỏi mong muốn của người sinh ra nó...
Kết nối với cả xã hội
Có người nói vui, bây giờ điện thoại thông minh và fb là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Nhiều người, nhất là lớp trẻ trong ngày có thể nhịn ăn, nhịn ngủ chứ dứt khoát không thể vắng fb.
Không gì lan truyền và chia sẻ nhanh bằng thông tin trên fb. Lướt mạng một thoáng thôi sẽ biết bạn bè mình đang ăn gì, chơi ở đâu, ngồi với ai, buồn hay vui… Có những sự kiện như: sinh nhật, đám cưới, đám tang cũng được người nhà truyền trực tiếp để người thân không có điều kiện về dự cùng chia sẻ. Chỉ một hành động đẹp hay không đẹp, chỉ một câu nói hớ hênh của ai đó đang được chú ý, gần như tức thời cả cộng đồng mạng đã được biết.
Chính với ưu thế này, đã có rất nhiều người biết tận dụng để làm những việc có ích cho xã hội. Sau những đợt thiên tai, hỏa hoạn, những nhóm bạn bè, những người nhiệt tâm ríu rít rủ nhau trên mạng, quyên góp nhu yếu phẩm, tiền bạc… đi làm từ thiện. Những hành động xấu cũng được tức khắc lan truyền trên mạng để cảnh tạo áp lực cho các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, đồng thời để cảnh báo người khác đừng dại dột mà mắc phải.
Trên thế giới, người ta không bao giờ quên vai trò của mạng xã hội đã làm đảo lộn trật tự thế giới bằng sự kiện mà phương Tây gọi là “Mùa xuân Ả Rập”. Cả khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã diễn ra những cơn “giông bão” chính trị bắt đầu bằng cuộc biểu tình ngày 18-12-2010, sau đó lan thành một cuộc cách mạng tại Tunisia, sau vụ tự thiêu của người bán hàng rong Mohamed Bouazizi để phản đối việc cảnh sát ngược đãi. Hậu quả của nó đến nay vẫn còn đang tiếp diễn với bao quốc gia chìm trong hỗn loạn. Vai trò quan trọng của truyền thông xã hội trong những cuộc nổi dậy Ả Rập đã được thảo luận rất nhiều. Nhiều người cho rằng truyền thông xã hội là thủ phạm chính của các cuộc nổi dậy, trong khi những người khác cho đó chỉ là những công cụ. Dù cho thế nào thì truyền thông xã hội cũng chứng minh cho thế giới thấy sức mạnh của nó.
Con người cô độc hơn?
Sự kết nối giữa những con người trong xã hội là một thực tế hiển nhiên mà mạng xã hội đem lại. Nhưng có vẻ, con người càng dành thời gian chia sẻ, càng chăm chú kết nối trên mạng thì càng cô độc hơn trong cuộc sống đời thường.
Đã trở nên rất quen thuộc là hình ảnh những gia đình trẻ đi cà phê cuối tuần, cà phê kêu ra nguội ngắt nhưng mỗi người còn mải cắm cúi vào điện thoại của mình. Rất có thể người chồng hay vợ đăng một dòng trạng thái (stt): Cả tuần bận rộn, nay mới được chút thư giãn với gia đình! rồi sau đó chăm chú chờ lượt bạn bè like hoặc bình luận (comt), cắm cúi trả lời, quên cả gia đình thực tại trước mặt(!).
Hoặc với các gia đình trẻ hiện nay, phổ biến là vợ, chồng thậm chí cả con nữa, mỗi người một tài khoản fb. Liên lạc với nhau qua tin nhắn nhiều hơn giao tiếp thực, thậm chí đến ngày sinh nhật cũng chúc tụng, gửi hoa, quà... ảo cho nhau rất xôm tụ mà người ta không biết ngoài đời thật, họ có mua hoa tặng nhau không.
Con người chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Nếu anh dành quá nhiều thời gian cho fb, khoe từ ăn gì, chơi ở đâu… đến coi những tin tức được chia sẻ tràn lan, đương nhiên thời gian thực cho cuộc sống sẽ bị trừ đi tương ứng. Những giao tiếp trên mạng sẽ thay cho giao tiếp thực ngoài xã hội. Càng nhiều bạn bè trên mạng, thời gian dành cho bạn thực ngoài đời càng ít đi. Đã có những cô cậu học trò bị gia đình bắt phải... cai nghiện fb. Đã có những nghiên cứu cho dù kết quả chả biết thực hư, kết luận rằng những người suốt ngày khoe ảnh “tự sướng”, ngày đăng 6 - 7 cái stt… là có vấn đề về tâm thần(!).
Cũng đã có người nhận thấy việc quá lệ thuộc vào fb hàng ngày, can đảm khóa fb một thời gian, tham gia các chuyến du lịch hoặc nghỉ ngơi, tĩnh tâm ở một địa điểm heo hút nào đó. Có người nhẹ nhàng hơn đã cho ẩn ngày sinh của mình trên mạng để tránh phiền phức mỗi dịp fb nhắc ngày sinh nhật. Nhiều người coi fb thuần túy là nơi quảng bá cho công việc của mình...
* * *
Dẫu cho quan điểm của mọi người như thế nào thì fb vẫn ngày một thu hút người dùng và có một vai trò ngày càng lớn trong cuộc sống. Đầu năm nay, ông chủ của fb đã quyết định sẽ loại bớt tin tức và quảng cáo trên trang chủ (News Feed), ưu tiên những chia sẻ cá nhân của người dùng, để mạng xã hội này trở lại ý nghĩa ban đầu. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, hàng loạt các hội thảo đề cập đến đến quan hệ giữa báo chí với mạng xã hội…
Với riêng người viết, tôi đặc biệt quan tâm và đồng tình với câu trả lời trong phần thi ứng xử của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê, đại ý: Mạng xã hội có hai chiều tích cực và tiêu cực. Em muốn nói rằng, xung quanh chúng ta còn có nhiều điều thú vị và tốt đẹp hơn, chúng ta cần biết quý trọng. Bạn bè, người thân, những người xung quanh chúng ta, chỉ có mặt đối mặt chúng ta mới giao lưu được với nhau. Hãy hạn chế sử dụng mạng xã hội để chúng ta gần nhau hơn, tích cực hơn và có những thời gian thú vị hơn.
Thủy Ngân