Hình ảnh ông đồ ngồi cho chữ vốn gắn với những địa chỉ văn hóa, tâm linh hay chốn đô hội. Nhưng nay, hình ảnh ông đồ áo the khăn xếp ngồi viết thư pháp ngay tại không gian sự kiện của các doanh nghiệp, khách sạn vào dịp cuối năm như mang đến chút phong vị truyền thống.
Hình ảnh ông đồ ngồi cho chữ vốn gắn với những địa chỉ văn hóa, tâm linh hay chốn đô hội. Nhưng nay, hình ảnh ông đồ áo the khăn xếp ngồi viết thư pháp ngay tại không gian sự kiện của các doanh nghiệp, khách sạn vào dịp cuối năm như mang đến chút phong vị truyền thống.
Dịp Tết là thời điểm diễn ra những chương trình, sự kiện gặp gỡ, tri ân khách hàng của các công ty. Tại các khách sạn lớn cũng diễn ra các hoạt động văn hóa giải trí phục vụ nhu cầu tìm hiểu về văn hóa Tết Việt của du khách. Với mong muốn đem lại chút màu sắc truyền thống, cũng như những điều may mắn cho khách mời và du khách, tại một số sự kiện có thêm sự xuất hiện của ông đồ ngồi viết thư pháp. Những ông đồ được mời đến các sự kiện cũng áo the, khăn xếp, giấy đỏ, mực tàu...
Ông đồ Tuấn có thâm niên 15 năm làm công việc này ở TP. Nha Trang cho biết, đi viết thư pháp và cho chữ ở các sự kiện phải viết chữ đẹp, thuộc nhiều câu thơ, câu châm ngôn hay. Ngoài ra, còn phải biết tư vấn, giải thích cho khách hiểu về chữ nghĩa trên mỗi bức thư pháp. Đến với các sự kiện, ngoài thù lao được nhận từ ban tổ chức, các ông đồ còn có thêm thu nhập từ việc bán chữ của mình.
Cũng từng nhiều năm đi viết thư pháp vào dịp Tết cổ truyền ở các khách sạn, ông đồ Hùng (quê ở Diên Khánh) thích thú với việc này không chỉ vì thu nhập tốt. “Mỗi lần được gặp gỡ và giải thích cho du khách nước ngoài hiểu về ý nghĩa của bức thư pháp mình đưa cho họ và nhận được những nụ cười cùng lời cảm ơn là những lúc tôi cảm thấy phấn chấn”, ông đồ Hùng cho biết.
Đến với các sự kiện, mỗi ông đồ đều chuẩn bị sẵn cho mình những chữ mang tính kinh điển như: Phúc, Lộc, Thọ, Tâm, Đức, Hiếu, Nghĩa, Nhẫn… Bên cạnh đó là những câu thơ, câu châm ngôn có ý nghĩa sâu sắc. Ngoài ra, khi tiếp xúc trực tiếp với khách, họ còn phải tìm hiểu ý tứ, nguyện vọng của khách để tư vấn. Chẳng hạn như khách mong muốn công việc làm ăn thuận lợi thì cho chữ Thuận, Lộc…; khách mong học hành thi cử đỗ đạt thì cho chữ Đắc, Thành, Đạt, Đăng Khoa…; khách đi làm công sở thì cho chữ Danh, Tài, Đắc vận… Ngoài ra, còn có những khách đặt hàng lại các ông đồ viết chữ cho mình. Giá thành của mỗi bức thư pháp khi đến tay khách hàng cũng tùy theo độ khó, độ dài của chữ, nhưng thấp nhất khoảng 100.000 đồng.
Sự xuất hiện của ông đồ trong các sự kiện đã mang đến niềm vui cho nhiều người. “Trong sự kiện của công ty chúng tôi có mời ông đồ ngồi viết thư pháp. Qua đó, chúng tôi mong muốn mang đến niềm vui cho khách hàng và giới thiệu chút văn hóa truyền thống đến khách hàng là những đối tác người nước ngoài”, bà Tuyết Lan - Giám đốc một công ty sản xuất thương mại trên đường Thống Nhất nói. Anh Hữu Thành - Giám đốc công ty du lịch trên đường Lê Thành Phương cho biết, mỗi lần đi sự kiện, nếu thấy có ông đồ ngồi viết chữ, anh đều đến xin. Xin chữ cũng là cách để nói lên tâm nguyện của mình. Nhưng điều anh thích ở các bức thư pháp chính là nét chữ của mỗi người viết đều khác nhau. Vì thế, anh thường xin về và coi đó như một bộ sưu tập nho nhỏ.
Trong một lần trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, ông cho biết hình ảnh ông đồ vốn gắn bó với cửa Khổng sân Trình. Nhưng với người Việt thì hình ảnh ông đồ đã trở nên gần gũi, thân thuộc. Thời xưa, mỗi độ Tết đến xuân về người dân lại đến nhà các thầy đồ xin chữ về treo với ước vọng về những điều may mắn, tốt đẹp. Và nó cũng thể hiện cho tinh thần hiếu học của dân tộc. Ngày nay, cách thức hoạt động của các ông đồ cũng năng động, đa dạng hơn trước. Việc các ông đồ tham gia vào các sự kiện cũng là cách thổi một chút sắc xưa vào cuộc sống hiện đại.
Giang Đình