Trong chuyến hành trình đến Trường Sa tháng 1, cánh phóng viên đặc biệt ấn tượng với họa sĩ Đỗ Khải (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hải Dương). Mỗi khi đặt chân lên đảo, ngoài tranh thủ ký họa phong cảnh, anh dành phần lớn thời gian ký họa chân dung những người lính đảo. Những bức tranh đầy tính nghệ sĩ của anh đã trở thành món quà đầy ý nghĩa với những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.
Trong chuyến hành trình đến Trường Sa tháng 1, cánh phóng viên đặc biệt ấn tượng với họa sĩ Đỗ Khải (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hải Dương). Mỗi khi đặt chân lên đảo, ngoài tranh thủ ký họa phong cảnh, anh dành phần lớn thời gian ký họa chân dung những người lính đảo. Những bức tranh đầy tính nghệ sĩ của anh đã trở thành món quà đầy ý nghĩa với những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.
Ngay khi đặt chân đến đảo Song Tử Tây, hòn đảo đầu tiên trong hành trình thăm, tặng quà các đảo cánh Bắc Trường Sa, họa sĩ Đỗ Khải đã khiến tất cả cánh báo chí cũng như cán bộ, chiến sĩ bất ngờ bởi tài ký họa của anh. Qua vài nét bút, phong cảnh Song Tử Tây hiện lên với ngọn Hải Đăng, hàng trụ điện gió, những cây bàng vuông. Đến khi anh trổ tài ký họa chân dung thì tất cả đều thán phục. Chỉ vài nét bút, vành mũ, khuôn mặt của người chiến sĩ hải quân đã hiện ra, sau đó đến ve áo, cầu vai... Hết vẽ cán bộ, chiến sĩ, anh lại vẽ học sinh làng đảo. Mỗi bức tranh, anh chỉ mất từ 10 - 15 phút. Tất cả đều toát lên thần thái nhân vật, không thể trộn lẫn. Khi nhận được bức tranh vẽ con gái mình, chị Phạm Thị Bích Luyện ở đảo Song Tử Tây cứ xuýt xoa vì tranh quá đẹp, quá giống.
Những ngày lênh đênh trên biển, Đỗ Khải còn tranh thủ ký họa chân dung các thủy thủ tàu Trường Sa HQ 571 như một cách cảm ơn thủy thủ đoàn đã vất vả phục vụ đoàn công tác. Rồi anh ký họa cảnh các nhà báo đang tác nghiệp. Ở các đảo Sơn Ca, Nam Yết, anh tiếp tục ký họa chân dung tặng những người lính đảo. Còn nhớ, hôm đến Nam Yết, ngay dưới gốc cây bàng vuông di sản, anh đã liên tiếp vẽ tặng tranh cho nhiều cán bộ, chiến sĩ của đảo. Tất cả các bức ký họa đều sống động đến lạ thường. “Đây là lần đầu tiên tôi được ký họa, bức tranh rất đẹp. Món quà đầy ý nghĩa từ họa sĩ Đỗ Khải đã khiến tôi thật sự xúc động”, hạ sĩ Võ Hữu Tín (quê ở xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) bày tỏ cảm xúc khi được tặng tranh.
Theo họa sĩ Đỗ Khải, anh chưa từng trải qua quân ngũ nên rất cần những chuyến đi thực tế để hiểu hơn về cuộc sống của người lính. Lần thứ hai được đến Trường Sa, Đỗ Khải vẫn tràn đầy cảm xúc. Ngoài ký họa, anh còn chụp rất nhiều ảnh về phong cảnh, cuộc sống đời thường, chân dung quân, dân huyện đảo. “So với chuyến đi tháng 4-2014, chuyến đi lần này thú vị hơn nhiều. Tôi đã được trải nghiệm sóng gió của những chuyến đi đảo vào mùa biển động, thấu hiểu nỗi vất vả của anh em lính đảo. Thời gian dài ngày, được ở lại đêm trên đảo, tham gia nhiều hoạt động văn hóa - thể thao còn giúp tôi hiểu thêm đời sống, tâm tư của những người lính nơi tuyến đầu”, anh tâm sự.
Hai lần đến với Trường Sa, họa sĩ Đỗ Khải đã hiểu khá sâu về đời sống của người lính đảo, cảm phục sự hy sinh của lính đảo. Trong cảm nhận của anh, lính Trường Sa rất hồn nhiên, trong sáng nhưng lại rất mạnh mẽ, can trường. Hỏi chuyện về việc ký họa chân dung tặng lính đảo, anh bày tỏ: “Tôi rất vui vì việc làm nhỏ bé của mình đem lại niềm vui cho cán bộ, chiến sĩ. Qua việc ký họa chân dung những người lính Trường Sa, tôi muốn gửi thông điệp đến với mọi người, những người lính đảo dù vất vả nhưng vẫn luôn can trường, kiên trung giữ đảo”.
THÀNH NGUYỄN
Họa sĩ Đỗ Khải sinh năm 1969 ở Hải Dương, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm nhạc họa Trung ương và Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Sau 19 năm làm thầy giáo dạy vẽ, vì muốn có nhiều thời gian sáng tác anh đã dứt bỏ nghề giáo để làm nghệ sĩ tự do.
Sở trường của Đỗ Khải là tranh sơn mài, sơn dầu. Đến nay, anh đã giành được 20 giải thưởng mỹ thuật ở địa phương và Trung ương, trong đó có 5 giải thưởng về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2010, anh giành được giải nhì triển lãm mỹ thuật toàn quốc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với bức tranh Chiều Long Biên (sơn dầu).