Nghề nặn tò he vốn thường quen thuộc ở các tỉnh phía bắc. Tại phố biển Nha Trang, thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp hình ảnh những con vật ngộ nghĩnh xanh đỏ tím vàng trên đường phố, hoặc trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Nghề nặn tò he vốn thường quen thuộc ở các tỉnh phía bắc. Tại phố biển Nha Trang, thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp hình ảnh những con vật ngộ nghĩnh xanh đỏ tím vàng trên đường phố, hoặc trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Những ngày cuối năm, tham gia chương trình do Diễn đàn Doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam tại Nha Trang tổ chức, chúng tôi đã thực sự bất ngờ khi bên lề sự kiện có sự xuất hiện của một nghệ nhân nặn tò he. Hành trang của ông thật giản dị với một chiếc thùng giấy, trên đó đặt một tấm xốp để cắm những que tre nhỏ có gắn hình các con giáp, hình Quan Công, Tôn Ngộ Không... Người nghệ nhân lớn tuổi khéo léo nặn từng đường nét, hình khối từ những mẩu bột được làm từ gạo nếp tẩm màu rất bắt mắt. Ngồi nhìn ông làm, cả một thế giới tuổi thơ như chợt ùa về trong tôi. Nơi đó là những buổi theo mẹ đến chợ huyện để mê mẩn với màn “ảo thuật” của những người nặn tò he khi trong phút chốc từ những cục bột vô hồn bỗng biến thành chim cò, động vật sinh động. Niềm vui nhân lên khi được mẹ mua cho một con để về nhà khoe với bạn bè lối xóm và khi chơi xong thì có thể ăn được luôn. Nơi đó là những buổi trưa tan trường bụng đói cồn cào nhưng vẫn thích thú bởi hình thù, màu sắc bắt mắt của những con tò he.
Qua trò chuyện, người nghệ nhân già cho biết ông tên là Nguyễn Yến, nhà ở số 34 đường Phan Đình Giót (TP. Nha Trang). Theo nghề đến nay đã hơn 10 năm, điều khiến ông Yến thích nhất chính là có cơ hội được giới thiệu chút nghề truyền thống của người xưa đến lớp trẻ, đến những vị khách nước ngoài. “Tôi biết nghề này cũng là do tự học. Bởi tôi thấy nó như chút văn hóa của người xưa muốn truyền lại cho mai sau. Nếu để đánh mất thì sẽ rất thiệt thòi cho lớp trẻ sau này. Vì thế, sau khi thạo nghề, tôi đã luôn cố gắng tìm cách để giới thiệu nét đẹp của nghề đến với đông đảo mọi người”, ông Yến cho biết.
Trong suốt những năm qua, hàng tuần ông đều đến các khách sạn, khu nghỉ dưỡng để trình diễn việc nặn tò he cho du khách trong và ngoài nước thưởng thức. “Chúng tôi thường mời ông Nguyễn Yến đến trình diễn bởi du khách nước ngoài rất thích được xem nặn tò he. Du khách còn có thể tự tay làm ra những sản phẩm thủ công để lưu niệm”, một lãnh đạo của khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay cho biết.
Có lẽ với niềm vui nho nhỏ như thế, nên chuyện tiền bạc kinh phí trong mỗi buổi trình diễn như vậy đối với ông thường không quan trọng. Các sản phẩm làm ra thường ông đều dành tặng cho khách. Mỗi con tò he ông nặn hết khoảng 5 phút, tuy nhiên trước khi đến với các địa điểm trình diễn, ông thường nặn sẵn rất nhiều con tò he để có thể tặng được nhiều người. Với tình cảm đó, nên trong những năm qua, ông thường xuất hiện ở nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn như: Six Senses Ninh Van Bay, Amiana Resort, Mia Resort, Vinpearl Land Nha Trang, Sunrise Nha Trang… Những dịp cuối năm cũng là thời điểm ông nhiều show nhất. “Tôi rất thích xem làm tò he. Tôi đã nhờ ông nặn cho mình con gà và cầm nó trên tay tôi như được trở về với tuổi thơ”, Nguyễn Kim Cương - nhân viên một công ty du lịch chia sẻ.
Không chỉ mang đến chút nghề xưa cho thế hệ hôm nay thông qua những buổi trình diễn, ông Yến còn truyền nghề lại cho những người có chung niềm yêu thích. Những người học nghề của ông có người lớn tuổi hơn, cũng có những bạn đang học phổ thông. Nhờ có những người kế nghiệp như thế, nên những thời điểm nhiều show ông đã có người để san sẻ công việc. Mong muốn của ông đó là vào những dịp lễ, Tết, hay các sự kiện lớn của tỉnh, thành phố thì chính quyền địa phương có thể tạo một không gian hoặc một sân chơi để những người như ông có thể đến đó trình diễn, giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống, nghề thủ công truyền thống đến với đông đảo người dân và du khách.
Giang Đình