11:01, 19/01/2018

Để di sản văn hóa phát huy giá trị

Trong 10 năm qua, với nhiều cách thức khác nhau, hoạt động tuyên truyền, giáo dục việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.

Trong 10 năm qua, với nhiều cách thức khác nhau, hoạt động tuyên truyền, giáo dục việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đánh giá được tầm quan trọng của việc tuyên truyền, giáo dục trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương đối với quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, từ năm 2008 đến nay, sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức hội thi tìm hiểu di sản văn hóa cho đối tượng là học sinh cấp 2, cấp 3, đoàn viên, thanh niên, hội phụ nữ... Nội dung tuyên truyền giới thiệu về di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam; di tích quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Khánh Hòa; các di tích cấp tỉnh; sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu của địa phương; lễ hội dân gian… Năm 2017, hội thi này đã dược nâng lên thành hội thi cấp tỉnh với sự tham gia của 8 đội thi của các địa phương trong tỉnh. Thông qua đó, đã tạo được hiệu ứng tích cực trong việc chuyển tải những nội dung, giá trị của di tích, di sản vào lòng người dân.

 

Di tích Tháp Bà Ponagar.

Di tích Tháp Bà Ponagar.


Hội thi kết thúc với giải nhất thuộc về đội thi huyện Khánh Sơn. Ông Cao Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Khánh Sơn cho biết, đơn vị đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cả về kiến thức, tiểu phẩm, kỹ năng hát múa. Các học sinh được chọn đi thi đã rất nghiêm túc, dành nhiều thời gian để tìm hiểu về các di tích, di sản, nhân vật lịch sử. Đây thực sự là sân chơi bổ ích dành cho các em.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.098 công trình, địa điểm, khu vực, cảnh quan có dấu hiệu di tích, danh thắng. Trong đó, có 16 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 173 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là: lễ hội Tháp Bà, lễ hội Cầu Ngư, lễ bỏ mả của người Raglai.

Cũng từ 10 năm trước, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất ban hành kế hoạch phân công các trường nhận chăm sóc các di tích được công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền cho học sinh tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương. Nhiều hoạt động có ý nghĩa như: dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh, phát quang bụi rậm… tại các điểm di tích đã được thực hiện. Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên ở các nhà trường đã đứng ra nhận chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương. Lực lượng đoàn viên, thanh niên ở các xã, phường, thị trấn cũng được huy động để tham gia việc chăm sóc, bảo vệ di tích. Tiêu biểu như: Đoàn Thanh niên thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) nhận chăm sóc, bảo vệ bia di tích Căn cứ cách mạng Tô Hạp; Đoàn Thanh niên xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa) đăng ký chăm sóc, bảo vệ bia di tích Căn cứ cách mạng Hòn Hèo…


Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, một khía cạnh khác trong vấn đề tuyên truyền, phát huy giá trị di tích, di sản đó chính là việc gắn với hoạt động du lịch. Công tác này đã được quan tâm triển khai từ nhiều năm nay và mang đến những kết quả tích cực. Một số di tích lịch sử ven biển, đảo đã và đang có dự án tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Trong tương lai, các di tích như: Địa điểm Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển), các căn cứ cách mạng Đồng Bò, Đá Bàn, Hòn Thị… sẽ trở thành địa chỉ đỏ du lịch về nguồn. Qua đó sẽ thu hút du khách tham quan và góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Cũng theo ông Dũng, việc khai thác những di tích, danh thắng trở thành những điểm du lịch mới không chỉ làm đa dạng, phong phú loại hình du lịch mà còn giúp người dân sống gần các di tích, danh thắng có thể tham gia làm du lịch.


Có thể thấy, việc tuyên truyền và phổ biến các giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. Việc khuyến khích cộng đồng, người dân tham gia các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống chính là hướng đi cần thiết để di sản văn hóa phát huy giá trị.


Giang Đình