Lấy mùa đông sưởi ấm tâm hồn - đây là nét rất riêng của Phú Quang - nhạc sĩ người Hà Nội sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Bằng những nốt nhạc sang trọng nhưng nồng nàn, Phú Quang đã làm bừng sáng tâm hồn người yêu nhạc như tia nắng chiều đông qua những ca khúc đặc sắc suốt 20 năm qua.
Lấy mùa đông sưởi ấm tâm hồn - đây là nét rất riêng của Phú Quang - nhạc sĩ người Hà Nội sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Bằng những nốt nhạc sang trọng nhưng nồng nàn, Phú Quang đã làm bừng sáng tâm hồn người yêu nhạc như tia nắng chiều đông qua những ca khúc đặc sắc suốt 20 năm qua.
Phú Quang bày tỏ vì sao mình lại yêu những chiều đông lãng đãng sương giăng ở Hà Nội đến như thế, đơn giản bởi nhạc sĩ như cánh chim tránh rét bay về phương nam mà ở đây là TP. Hồ Chí Minh rực rỡ nắng vàng. Cảm xúc của Phú Quang hợp nhịp với triệu trái tim đang xa Hà Nội, đó là nhớ hương vị mùa se lạnh phương bắc. Khởi đầu là ca khúc bất hủ Em ơi Hà Nội phố được nhạc sĩ chắt phần tinh túy nhất từ trường ca của Phan Vũ. Ca khúc này cũng chính là tuyên ngôn phong cách và chủ đề của Phú Quang. Có lẽ vì vậy mà Phú Quang là nhạc sĩ duy nhất mỗi khi cuối thu đầu đông lại trở về Thủ đô làm đêm nhạc của riêng mình. Điều đó như một sự mặc định. Đêm nhạc của Phú Quang đã sưởi ấm tâm hồn biết bao người trong đêm đông giá lạnh, còn nhạc sĩ nói đùa rằng mùa đông đã sưởi ấm tâm hồn mình ở Sài Gòn.
Nhạc sĩ Phú Quang rất có tài phổ thơ. Trước đây có Hoàng Hiệp và Phan Huỳnh Điểu - hai bậc đại tài phổ thơ tình cách mạng thì Phú Quang là ông hoàng phổ thơ tình đương đại. Hầu như tất cả những bài hát của ông đều được phổ thơ: Em ơi Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Nỗi nhớ mùa đông (Thảo Phương), Đâu phải bởi mùa thu (Giáng Vân), Biển nỗi nhớ và em (Hữu Thỉnh), Chiều phủ Tây Hồ (Thái Thăng Long)… Nét hay của Phú Quang là biết lấy được cái thần của mỗi bài thơ để hòa quyện với nét nhạc điêu luyện của mình tạo thành một tác phẩm. Ví dụ bài hát Tình khúc 24 phổ thơ Dương Tường, nền bài thơ rất siêu thực, người đọc khó cảm nhận hết ý của tác giả, vậy mà vào tay Phú Quang, bài thơ trở thành lời ca mượt mà say đắm: 24 phím cầm chiều/24 nhành sương mím/24 tiếng ve sầu/đại lộ tháng tư/Gửi lại em/Tờ thư 24 gác mưa/mùi hoa sữa... Nhiều người đã cảm nhận được sự kỳ diệu của bài hát này qua giọng hát Hồng Nhung.
Trước Phú Quang và sau đó cũng không ai có được nét riêng độc đáo: thích mùa thu, yêu mùa đông. Phú Quang xuất phát điểm từ chàng sinh viên học kèn, sau học sáng tác chỉ huy, về làm việc ở dàn nhạc giao hưởng, vì thế trong những bản phối do chính tác giả soạn luôn có tiếng nhạc flute và piano đem lại cho các bài hát có sức quyến rũ lạ thường. Chỉ cần nghe nhạc dạo đã hiểu đó là nhạc của Phú Quang! Nhà văn Châu La Việt (con trai ca sĩ nổi tiếng Tân Nhân) kể lại đêm nhạc của Phú Quang ở Sài Gòn có tên “Nỗi nhớ mùa đông” rất ấn tượng với công chúng. Đêm nhạc kết thúc mà có người phụ nữ đứng tuổi ngồi hàng đầu, trên tay cầm bó hoa, có vẻ muốn tặng nhạc sĩ nhưng không sao chen được nên đành đứng yên. Mãi sau chị mới tiến được tới và nước mắt giàn giụa. Nhạc sĩ tiến tới ôm lấy chị, đó chính là tác giả của bài thơ “Nỗi nhớ mùa đông” - Thảo Phương: “Dường như ai đi ngang cửa, gió mùa đông bắc se lòng. Chút lá thu vàng đã rụng, giờ đây cũng bỏ ta đi”. Câu thơ tưởng ám ảnh, đầy khắc khoải tới cháy bỏng hóa ra lại thành hơi ấm dạt dào trong tâm hồn người yêu sắc mùa đông, có được điều này chỉ là nhạc của Phú Quang.
Thêm một sự hấp dẫn của nhạc Phú Quang, đó là hình như nhạc sĩ luôn yêu người phụ nữ trong sương mờ khói ảo, điển hình như: Thương lắm tóc dài ơi!, Đêm Ả đào, Gửi đôi mắt, Biển nỗi nhớ và em.
Là “ông hoàng của nhạc tình mùa đông”, nhạc sĩ Phú Quang đã đem vào những các khúc của mình tất cả những gì sâu lắng nhất của con người thông qua hình ảnh về mùa đông.
Dương Trang Hương