UNESCO đã công nhận Bài chòi Trung bộ là di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể của nhân loại. Khánh Hòa là 1 trong 9 tỉnh, thành tham gia lập hồ sơ DSVH bài chòi trình UNESCO. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi một cách bền vững.
UNESCO đã công nhận Bài chòi Trung bộ là di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể của nhân loại. Khánh Hòa là 1 trong 9 tỉnh, thành tham gia lập hồ sơ DSVH bài chòi trình UNESCO. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi một cách bền vững.
Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, hồ sơ đề cử của bài chòi đáp ứng những tiêu chí được ghi vào Danh sách DSVH phi vật thể của nhân loại. Hồ sơ đã mô tả chi tiết, rõ ràng những nỗ lực trong quá khứ và hiện tại để bảo vệ di sản và đảm bảo sự tồn tại của các cộng đồng, các nhóm người và các câu lạc bộ với sự hỗ trợ của Chính phủ.
Khánh Hòa là một trong những tỉnh có nhiều đóng góp để bài chòi được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể của nhân loại. Cho đến nay, Khánh Hòa đã tổ chức 2 hội thảo về bài chòi, góp phần hoàn thiện hồ sơ. Tại lễ vinh danh tại Hàn Quốc, nghệ nhân Trần Rí (huyện Vạn Ninh) được chọn là người trình diễn đầu tiên về nghệ thuật bài chòi. “Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là DSVH phi vật thể của nhân loại đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là sự cam kết của Việt Nam đối với công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của nhân loại nói chung, bài chòi nói riêng”, ông Lê Văn Hoa cho biết.
Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam phổ biến ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Đây là loại hình nghệ thuật có sự kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa. Bài chòi có hai hình thức chính: chơi bài chòi và trình diễn bài chòi. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật bài chòi là các anh chị Hiệu (người hô, hát trong trò chơi bài chòi), nghệ nhân biểu diễn bài chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài. |
Những năm qua, Khánh Hòa có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn bài chòi. Cuối năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch Bảo tồn và phát huy DSVH phi vật thể nghệ thuật bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, Sở Văn hóa - Thể thao đã khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở xây dựng kế hoạch dài hạn về công tác bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Sở cũng đã tổ chức hội thảo khoa học (cấp tỉnh) về công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể nghệ thuật bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, ngành Văn hóa đã đưa bài chòi vào chương trình Hội diễn Nghệ thuật quần chúng của tỉnh, yêu cầu các địa phương ở đồng bằng phải có tiết mục về dân ca bài chòi để tham gia hội diễn. Hướng của ngành là sẽ tiến đến xây dựng liên hoan nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Khánh Hòa. Ngành cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phục dựng, quay phim tư liệu về di sản nghệ thuật bài chòi dân gian để giới thiệu với công chúng.
Năm 2013, Trung tâm Văn hóa tỉnh (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao) đã phục dựng Hội bài chòi tại công viên bờ biển. Đến nay, Hội bài chòi đã trở thành hoạt động văn hóa diễn ra hàng tuần, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Bên cạnh đó, trung tâm đã phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức các chương trình sân khấu học đường, giới thiệu bài chòi dân gian cho học sinh THCS.
Theo kế hoạch, đầu năm 2018, lễ đón nhận danh hiệu DSVH nhân loại sẽ được tổ chức tại Bình Định. 9 tỉnh, thành Trung bộ cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch bảo tồn bài chòi của khu vực. Việc bài chòi được công nhận DSVH phi vật thể nhân loại là vinh dự rất lớn nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề trong việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi, góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. “Điều quan trọng nhất vẫn là sức sống của bài chòi trong lòng nhân dân. Để có được điều đó, bài chòi rất cần những không gian diễn xướng, những nghệ nhân tâm huyết với nghề… Thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ kết hợp với các địa phương để xây dựng thêm các câu lạc bộ bài chòi, khuyến khích các địa phương tổ chức Hội Bài chòi vào những ngày lễ, Tết ”, ông Hoa nói.
XUÂN THÀNH