09:11, 21/11/2017

Từ "Bến không chồng" đến "Thương nhớ ở ai"

Phim Thương nhớ ở ai (chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng) đã khắc họa sinh động đời sống làng quê miền Bắc giai đoạn 1954 - 1975. Ở đó, người dân quê không chỉ chịu đau thương vì chiến tranh mà còn phải chịu bao hủ tục, chôn vùi hạnh phúc cá nhân vì sợ định kiến xã hội…

Phim Thương nhớ ở ai (chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng) đã khắc họa sinh động đời sống làng quê miền Bắc giai đoạn 1954 - 1975. Ở đó, người dân quê không chỉ chịu đau thương vì chiến tranh mà còn phải chịu bao hủ tục, chôn vùi hạnh phúc cá nhân vì sợ định kiến xã hội…


Phim Thương nhớ ở ai (đạo diễn Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh) dài 34 tập, phát sóng vào 14 giờ 30 thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần từ ngày 4-11 trên kênh VTV3 đang thu hút sự quan tâm của khán giả. Bỏ qua những ồn ào về chuyện phục trang, Thương nhớ ở ai có nhiều điều đáng quan tâm hơn thế.

 

Không quan tâm sao được, khi kịch bản phim được dựa theo tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng (giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991) - một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam từ 1975 đến nay. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật nước nhà, có một tác phẩm văn học được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh và truyền hình. Năm 2000, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã chuyển thể cuốn tiểu thuyết thành phim truyện nhựa cùng tên với sự tham gia của NSND Như Quỳnh, NSND Minh Châu... Với cốt truyện độc đáo, dàn diễn viên có nghề, Bến không chồng đã được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải A; phim còn được trao giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2001.

 

Cảnh phim Thương nhớ ở ai

Cảnh phim Thương nhớ ở ai

 

Nếu như phim Bến không chồng gần như y nguyên tiểu thuyết, phim Thương nhớ ở ai có thêm nhiều nhân vật mới. Bên cạnh các nhân vật: Vạn, bà Nhân, Hạnh, Hơn, đạo diễn sáng tạo thêm các nhân vật như: Nương - cô ca nương trở về làng bị phụ nữ trong làng ruồng rẫy, ghét bỏ; Đột - chủ tịch xã xuất thân bần cố nông, luôn nuôi dưỡng thái độ “trả thù giai cấp”;  Quất - một cán bộ xã hách dịch, xu nịnh… Sự mở rộng thêm tuyến nhân vật giúp khán giả có cái nhìn rộng hơn về các giai tầng ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1954 - 1975. Ẩn sau khung cảnh làng quê tưởng như êm đềm là bao nhiêu số phận hết sức oái oăm. Một cô gái chửa hoang bị cạo đầu bôi vôi, trói tay, thả bè trôi sông khiến nhiều người thương xót nhưng không ai dám cứu vì sợ cả làng ruồng rẫy. Một gia đình không khá giả là mấy nhưng bị quy vào địa chủ, để rồi cô con dâu  trong đêm mưa gió đi gõ cửa từng nhà, quỳ lạy để giữ lại mạng sống cho chồng nhưng không được. Và bi kịch lớn nhất, chính là con người không dám sống thật. Làng vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Họ khao khát được yêu thương nhưng không thể vượt qua định kiến của xã hội.


Tuy Thương nhớ ở ai mới chiếu 6 tập nhưng fanpage của phim đã có gần 27.000 lượt người theo dõi. Mỗi tập phim đều nhận được những phản hồi rất tích cực về  cả nội dung, bối cảnh và nhạc phim, cũng như diễn xuất của diễn viên. Khán giả Tuấn Ninh bày tỏ: “Xem phim mà em có cảm giác mình như đọc được từng trang giấy của cuốn tiểu thuyết, được nhìn thấy từng cảnh làng quê Bắc bộ vẫn giữ được truyền thống của Việt Nam... Quan trọng nhất, bộ phim mang lại rất nhiều giá trị nhân văn, đạo đức cùng với những ẩn ý nghệ thuật. Đau đớn, chua xót, thương tâm”. Có được những lời khen ngợi đó bởi phim đã tạo dựng được không khí làng quê Bắc bộ đậm đặc với hình ảnh mái đình, bến nước, gốc đa. Cùng với đó là những nếp sống truyền thống cố hữu, trong đó có những cái đã lạc hậu nhưng vẫn được duy trì khi ông bố bắt đàn con gái đồng thanh “chúng con là lũ vịt giời, bé thời ăn hại, lớn thời bay đi”. Diễn xuất của diễn viên Lâm Vissay (vai Vạn), Ngọc Anh (Nhân), Trà My (Hạnh), Hồng Kim Hạnh (Hơn),Thanh Hương (Nương) cũng khá tốt.


Vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu Thương nhớ ở ai có vượt qua được cái bóng của phim Bến không chồng hay không. Nhưng với 6 tập phim đã chiếu, khán giả có quyền hy vọng về một bộ phim có chiều sâu văn hóa, lịch sử.


THÀNH NGUYỄN