09:11, 21/11/2017

Sống đời của chợ!

Chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, Tạp chí Vietnam Heritage (trực thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam) tổ chức triển lãm 100 tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi ảnh Di sản văn hóa Việt Nam 2017. Bên cạnh 4 chủ đề truyền thống (Thiên nhiên, Văn hóa vật thể, Văn hóa phi vật thể, Đời sống)...

Chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, Tạp chí Vietnam Heritage (trực thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam) tổ chức triển lãm 100 tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi ảnh Di sản văn hóa Việt Nam 2017. Bên cạnh 4 chủ đề truyền thống (Thiên nhiên, Văn hóa vật thể, Văn hóa phi vật thể, Đời sống), năm nay Ban tổ chức chọn Chợ làm chủ đề chính. Hàng trăm tấm ảnh về những góc chợ quê đậm đà bản sắc truyền thống ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam được gửi về. Đây chợ nổi Phụng Hiệp (Cần Thơ) với ghe thuyền đầy ắp cây trái miệt vườn, buôn bán tấp nập trên sông; kia là chợ Đồng Văn (Lào Cai) với những nồi thắng cố nghi ngút khói không thể nhầm lẫn; rồi chợ bò Mèo Vạc (Hà Giang), chợ Tết Trung thu ở phố Hàng Mã (Hà Nội) rực rỡ đèn hoa… Tất cả đều rất thực và sinh động, đầy sắc màu văn hóa riêng biệt. Xem ảnh về chợ trở thành một chuyến du lịch văn hóa đầy cảm xúc.

 

Không cần hỏi cũng biết vì sao Ban tổ chức lại chọn chợ làm chủ đề ảnh Di sản văn hóa Việt Nam 2017! Bởi chợ không đơn thuần chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là nơi phô diễn phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật… của cả một cộng đồng dân cư. Chợ phơi bày tất cả, không giấu giếm điều gì, từ lời ăn tiếng nói hàng ngày cho đến ngành nghề thủ công truyền thống, hát xướng, văn hóa ẩm thực... Đó là nói theo kiểu nghiên cứu văn hóa, còn với người dân Việt bao đời nay, chợ là một phần của đời người, bởi ai không từng một lần đến với chợ, thậm chí nhiều người còn “sống đời của chợ” - làm ăn, buôn bán theo chợ. Với người Việt, chợ là ký ức tuổi thơ, là tấm gương phản chiếu hình ảnh của mẹ, của bà, của chị. Trẻ nhỏ nhà quê vẫn mong mẹ mỗi phiên đi chợ về bởi ở đó là thế giới của đồng quà tấm bánh, của bộ đồ chuẩn bị cho năm học mới. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ những lần theo mẹ đi chợ Tết. Cả một thế giới sắc màu sinh động nhảy múa ở phiên chợ ven sông những ngày cuối năm… Và chợ đôi khi cũng còn là ký ức về những rung động đầu đời như thi sĩ Hoàng Cầm đã từng nhớ “Những cô hàng xén răng đen/cười như mùa thu tỏa nắng” trong thi phẩm Bên kia sông Đuống.

 

Chợ Lũng Phìn (Hà Giang) của Trần Văn Túy
Chợ Lũng Phìn (Hà Giang) của Trần Văn Túy

 

Chợ là bảo tàng văn hóa sống của một vùng đất. Chính vì vậy, có dịp đến một vùng đất nào đó, tôi luôn ghé qua chợ để hiểu thêm về phong vị văn hóa của đất và người. Dù ít hay nhiều, mỗi chợ đều có những nét thú vị riêng. Không nói đâu xa, ngay ở xứ Trầm Hương này cũng có những phiên chợ rất khác. Đó là chợ cá dưới chân cầu Trần Phú, rồi chợ cá Vĩnh Lương, Cửa Bé… Nơi đó những người ngư dân bán những sản vật của biển vừa đánh bắt được, tất cả còn tươi rói óng ánh sắc xanh. Rồi chợ chuối cuối năm ở Suối Cát (Cam Lâm) mà khách hàng không chỉ có thương lái trong vùng mà còn có khách đi những chuyến xe xuyên Bắc Nam. Và không thể không kể đến chợ Đầm - một điểm mà khách du lịch đến Nha Trang bao giờ cũng ghé thăm.


Đời sống ngày càng phát triển, người dân thành phố dần quen với những siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại rồi ít đến với những phiên chợ truyền thống. Không thể phủ nhận những sự phong phú về hàng hóa cùng tiện ích mà các chợ hiện đại, từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi vẫn luôn thèm, nhớ đến không khí thân tình ở những phiên chợ truyền thống. Làm sao ta có thể mua được lời hỏi thăm, chia sẻ về gia cảnh giữa những bạn hàng lâu năm; làm sao có thể được tặng thêm vài trái ớt, hay nhúm hành ngò khi mua hàng rau củ quả?! Đời chợ - đời người! Không phải nhiều hơn thế mới đúng, bởi có những đời chợ đã gói trong mình hàng chục, hàng trăm thế hệ với hàng triệu đời người để cho ra văn hóa chợ hôm nay. Thế nên, bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ là gìn giữ di tích, mà còn phải gìn giữ những nét đẹp trong phiên chợ truyền thống.


XUÂN THÀNH