09:11, 24/11/2017

Nhà thơ Quách Tấn với bản dịch "Nhật ký trong tù"

Sau nhiều năm "phủ bụi", tạp chí Xưa và Nay (thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới ấn hành tập thơ dịch Nhật ký trong tù (nguyên tác: Hồ Chí Minh) của nhà thơ Quách Tấn (1910 - 1992). Một điều muộn màng nhưng hết sức ý nghĩa, đầy xúc động với những ai đã từng biết đến số phận của tập di cảo rất có giá trị này.

Sau nhiều năm “phủ bụi”, tạp chí Xưa và Nay (thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới ấn hành tập thơ dịch Nhật ký trong tù (nguyên tác: Hồ Chí Minh) của nhà thơ Quách Tấn (1910 - 1992). Một điều muộn màng nhưng hết sức ý nghĩa, đầy xúc động với những ai đã từng biết đến số phận của tập di cảo rất có giá trị này.

 

Ông Quách Giao giới thiệu tập thơ phỏng dịch  Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh) của nhà thơ Quách Tấn.

Ông Quách Giao giới thiệu tập thơ phỏng dịch Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh) của nhà thơ Quách Tấn.


Cách đây chừng hơn 5 năm, trong một lần gặp gỡ, nhà văn Quách Giao (con trai nhà thơ Quách Tấn) có kể cho tôi nghe chuyện tác giả xứ Trầm Hương dịch tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tự dặn lòng rồi sẽ trở lại tìm hiểu kỹ hơn chuyện này, nhưng rồi mãi gần đây tôi mới có dịp tới nhà của thi sĩ Quách Tấn để hiểu thêm về ngọn nguồn, đường đi của bản dịch thơ Nhật ký trong tù của ông.


Tấm lòng của một người yêu thơ


Theo ông Quách Giao, khoảng năm 1960 nhà thơ Quách Tấn nhận được tập thơ Nhật ký trong tù do người cô họ ở Pháp gửi về. Khi nhận được tập thơ, nhà thơ Quách Tấn đã rất vui mừng khi thấy nhiều bậc túc nhi tham gia dịch thơ, tuy nhiên có một số bài ông không thích lắm. “Vốn là người yêu thơ Đường luật, cha tôi bắt đầu dịch lại một số bài thơ trong tập Nhật ký trong tù mà ông cho là dịch chưa hay. Dần dần ông mở rộng ra toàn tập, chỉnh sửa nhiều lần, mãi đến khoảng năm 1975, bản thảo dịch thơ mới hoàn thành”, con trai thi sĩ Quách Tấn nhớ lại.

 

Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh) với phần dịch quốc ngữ  của nhà thơ Quách Tấn và phần chữ  Hán của Trần Thúc Lâm

Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh) với phần dịch quốc ngữ của nhà thơ Quách Tấn và phần chữ Hán của Trần Thúc Lâm


Cuối 1975, nhà thơ Quách Tấn đã tự tay chép kỹ lưỡng phần dịch thơ, nhờ ông Trần Thúc Lâm (1913 - 1981) một người bạn văn chương viết phần chữ Hán của tập Nhật ký trong tù để cất làm kỷ niệm. Trong bản thảo Hồi ký, nhà thơ Quách Tấn có kể lại: “Mùa thu năm Ất Mão 1975, tôi gom góp sửa chữa xong tập thơ dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch rồi nhờ anh Trần Thúc Lâm viết chữ Hán và tôi viết chữ quốc ngữ”.


Dù là một dịch giả thơ Đường hàng đầu nước ta, nhưng khi dịch Nhật ký trong tù có một số bài như: Trúc lộ phu (Phu làm đường), Đăng quang phí (Tiền đèn), Ngục đinh thiết ngã chi sĩ đích (Lính ngục trộm mất cây gậy)… Quách Tấn đã chuyển sang thể thơ lục bát. Hỏi chuyện này, ông Quách Giao giải thích: “Cha tôi thấy nhiều bài dịch thành lục bát nó ý vị hơn nên ông đã chuyển sang thể thơ này”. Cũng chính vì có sự hoán đổi về thể thơ ở một số bài, nên Quách Tấn đã khiêm tốn để là “phỏng dịch”.


Chìm khuất suốt 40 năm


Hoàn thành từ năm 1975, nhưng tại sao sinh thời Quách Tấn lại không cho in tập thơ dịch này? Trong bài viết Một lần gặp Quách Tấn (thay lời tựa đầu sách), nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kể lại “duyên kỳ ngộ” để ông gặp được bản dịch thơ Nhật ký trong tù của Quách Tấn và nguyên cớ vì sao gần 40 năm sau tập di cảo này mới được xuất bản.

 

Tập thơ Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết giai đoạn 29-8-1942 - 10-9-1943, khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm tại Quảng Tây, Trung Quốc. Tập thơ gồm 133 bài được viết bằng chữ Hán, được dịch ra tiếng Việt và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1960 nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, tập thơ đã được xuất bản nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau, được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, nhiều lần được thể hiện bằng thư pháp chữ Việt, Hán, Triều Tiên, Nhật Bản... Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận tác phẩm Nhật ký trong tù (bản gốc chữ Hán) là bảo vật quốc gia.

Theo đó, năm 1978, trong một lần đến Nha Trang để thu thập các tác phẩm khảo cứu văn hóa - lịch sử được xuất bản dưới chế độ cũ, nhà sử học Dương Trung Quốc đã tìm gặp nhà thơ Quách Tấn để nhờ “chỉ bảo” cho việc thu thập. Không chỉ tận tình chỉ bảo, nhà thơ Quách Tấn đã tặng Viện Sử học một số sách quý. Vì cảm mến, trước khi chia tay Quách Tấn cho nhà sử học xem bản thảo dịch Nhật ký trong tù. “Tôi cảm cụ Hồ là một nhà thơ nên tôi đọc kỹ phần dịch ra quốc ngữ của các bậc túc nho ngoài Bắc dịch, thấy có nhiều điều hay nhưng cũng có điều chưa thật ưng ý. Vả lại, với cái thú của người vốn thích dịch thơ Đường nên tôi cất công ngồi dịch lại… Suốt từ đó đến nay tôi vẫn cất kín đáo ở đây, chẳng mấy cho ai xem, và nhất là bây giờ thì càng giữ kín, kẻo người ta coi là xu thời. Tôi thấy cậu thích sách vở nên cho cậu xem để biết thôi và đừng nói với ai cả…”, mấy chục năm sau nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn nhớ như in về những lời tâm sự của Quách Tấn ngày hôm đó.


Sau này khi có dịp vào Nha Trang, ông Dương Quốc Trung đến thăm lại nhà Quách Tấn, được ông Quách Giao tặng một bản sao bản thảo tập thơ dịch Nhật ký trong tù (có phần chữ Hán do Trần Thúc Lâm viết). Đến lúc đó, ông mới chính thức được đọc toàn bộ bản dịch. “Nhiều lần thấy bản thảo của Quách Tấn chữ thật đẹp, dịch thật hay và lại muốn giới thiệu cho mọi người cùng đọc nhưng lại chợt nhớ đến điều cụ nói “không muốn phù thịnh, xu thời nên lại không dám…”, Dương Trung Quốc lý giải về sự “chậm trễ” rất đáng tiếc trong việc giới thiệu tập di cảo này.


Mãi đến năm 2015, được sự đồng ý của gia đình Quách Tấn, sự khích lệ của những người yêu mến tác giả xứ Trầm Hương, nhà sử học Dương Trung Quốc mới mạnh dạn phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới xuất bản tập thơ dịch Nhật ký trong tù.


Vậy là sau 40 năm kể từ khi nhà thơ Quách Tấn hoàn thành bản thảo, tập thơ dịch Nhật ký trong tù đã được in một cách trân trọng với phần quốc ngữ chép tay của ông, phần chữ Hán chép tay của nhà thư pháp Trần Thúc Lâm. Đề cập đến chuyện này, ông Quách Giao bày tỏ: “Việc tạp chí Xưa và Nay phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới ấn hành tập thơ dịch Nhật ký trong tù của cha tôi là điều gia đình hết sức rất cảm động. Càng ý nghĩa hơn, công trình có lời giới thiệu của đồng chí Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, sự tài trợ của Công ty Yến sào Khánh Hòa... Ở nơi cao xanh kia chắc cha tôi cũng không nỡ trách khi chúng tôi làm trái di nguyện của ông”.


THÀNH NGUYỄN