09:11, 21/11/2017

Dòng sông không chịu nỗi buồn

Đó là dòng sông trong thơ của Trần Vạn Giã - dòng sông không chỉ được nhà thơ đặt tên cho một bài thơ, mà còn dùng để đặt tên cho cả một tập thơ mới ra mắt của anh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2017).

Đó là dòng sông trong thơ của Trần Vạn Giã - dòng sông không chỉ được nhà thơ đặt tên cho một bài thơ, mà còn dùng để đặt tên cho cả một tập thơ mới ra mắt của anh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2017).

 

Đọc hết tập thơ này, những ai từng quan tâm đến thơ Trần Vạn Giã sẽ càng yêu thơ anh hơn vì trong đó lấp lánh khá nhiều bài thơ, những câu thơ hay chứa đựng nhiều cảm xúc. Chỉ bằng hình ảnh người mẹ quê thôi, người đọc cũng dễ dàng nhận ra tác giả đã khá thành công với những cách diễn đạt tinh tế ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đây là một đoạn trong bài Mẹ ở quê gắn liền với sự cảnh nhọc nhằn, vất vả: “Một đời mẹ chẳng đi xa/Như sông vì hạt phù sa nhớ nguồn/Tháng Mười gió rét đường Truông/Mẹ ngồi nhúm lửa đốt buồn mênh mông”. Còn đây là tâm trạng của tác giả khi trưởng thành, đi xa, trở về ngồi bên mẹ: “Con và mẹ tóc bạc đầu/Bóng con và mẹ đêm sâu dãi dầu/Dãi dầu trôi dạt về đâu/Về đâu cát bụi nhuốm màu hư không” (bài Con về…).


Cũng có lúc từ một người mẹ cụ thể, tác giả đã nâng lên để nói về hình tượng người mẹ của đất nước như trong bài thơ Dòng sông không chịu nỗi buồn: “Con sông không chịu nỗi buồn/Là khi có trận bão cuồng ngoài khơi/Bao la lòng biển đời đời/Mẹ cong đòn gánh suốt thời chiến tranh/Tạ ơn biển cả, rừng xanh/Gừng cay muối mặn để thành ca dao”… Nhưng dù khai thác ở khía cạnh nào, ý thơ và ngôn từ biểu đạt của Trần Vạn Giã cũng làm lay động người đọc.

 

 

Trần Vạn Giã có thơ in trên các báo từ trước năm 1975 và đến nay anh đã có trên chục tập thơ được xuất bản. Lục bát được coi là thể thơ mà tác giả đã để lại trong lòng người thích thơ nhiều ấn tượng nhất. Thậm chí anh đã từng có 2 tập thơ mang tên thể loại thơ này, đó là “Lục bát Trần Vạn Giã” Nhà xuất bản Trẻ - 2007) và “Lục bát nhà quê” (Nhà xuất bản Văn nghệ - 2008).


Trong bài thơ May mà có thơ (được in trong tập thơ xuất bản lần này), Trần Vạn Giã có “kêu, than” rằng: “Ngơ ngơ như kẻ làm thơ/Kẻ làm thơ đó bây giờ là anh/Ngày đi thương mái nhà tranh/Ca dao sao cứ vây quanh bóng chiều/Vách nhà cũng đã liêu xiêu/Câu thơ chống đỡ bao nhiêu năm rồi”… Tự giễu mình vậy thôi, thực ra, Trần Vạn Giã chẳng “ngơ ngơ’ chút nào. Điều này ta dễ nhận ra khi đọc Dòng sông không chịu nỗi buồn của anh - một tập thơ chứa nhiều cảm xúc mới mẻ, sáng tạo trong mạch nguồn thơ vốn có của Trần Vạn Giã trước đây, dù rằng tác giả không còn trẻ nữa; dù rằng như anh đã viết về mình trong bài thơ Những chiều: “Thưa em đã hết một đời. Tóc đen đã trắng thành lời tái tê”…


HOÀNG ANH