10:10, 18/10/2017

Trường Đại học Khánh Hòa: Nhiều ngành khó tuyển sinh

Trong bối cảnh chung của tuyển sinh trên cả nước hiện nay, Trường Đại học Khánh Hòa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với các ngành sư phạm và nghệ thuật.

Trong bối cảnh chung của tuyển sinh trên cả nước hiện nay, Trường Đại học (ĐH) Khánh Hòa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với các ngành sư phạm và nghệ thuật.


Gặp nhiều khó khăn


Công tác tuyển sinh của Trường ĐH Khánh Hòa hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Năm học 2017 - 2018, toàn trường chỉ có hơn 2.800 học sinh, sinh viên, dù quy mô được phép đào tạo gần 5.700; trong đó ĐH 788, cao đẳng 1.904, sơ cấp và trung cấp 145. Năm 2017, trường chỉ tuyển được 906 sinh viên trên tổng số 1.735 chỉ tiêu, chiếm hơn 52%. Đặc biệt là hệ cao đẳng chỉ tuyển được gần 36% so với chỉ tiêu, hệ ĐH hơn 88%. “Được thành lập năm 2015 trên cơ sở sáp nhập 2 trường cao đẳng có thế mạnh về đào tạo các ngành sư phạm và nghệ thuật, nhưng các ngành này đang ngày càng kém sức hút. Do chưa xác định đúng nhu cầu nên hai trong số các ngành ĐH mới mở không tuyển sinh được là Hóa phân tích và Sinh học ứng dụng”, PGS-TS Lê Thị Phương Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

 

Học sinh lớp 12 tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2017 tổ chức tại Trường Đại học Khánh Hòa

Học sinh lớp 12 tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2017 tổ chức tại Trường Đại học Khánh Hòa

 

Nhìn vào chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Khánh Hòa những năm qua có thể thấy, chỉ tiêu ngày càng giảm dần. Năm 2016 chỉ tiêu là 1.785 học sinh, sinh viên, năm 2018 chỉ tiêu dự kiến là 1.590 và năm 2019 là 1.510. Đây cũng là tình hình chung của cả nước trong bối cảnh nhiều trường ĐH gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhất là ở hệ cao đẳng.


Năm 2018, dự kiến ở hệ cao đẳng cũng chỉ còn 935 chỉ tiêu. Trong đó, các ngành sư phạm giảm rất nhiều, chỉ còn tổng cộng 310 chỉ tiêu cho 10 ngành. Các ngành ngoài sư phạm, chỉ tiêu dự kiến là 625, trong đó khó khăn nhất là các nhóm ngành nghệ thuật. Riêng năm 2017, chỉ tiêu các nhóm ngành nghệ thuật là 125 nhưng trường chỉ tuyển được hơn 30 em. TS. Phan Phiến - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, nếu tuyển hết 125 em thì phải bù lỗ mà không tuyển đủ cũng phải bù lỗ. Bởi đào tạo 1 học sinh ngành nghệ thuật rất tốn kém nhưng học phí thu lại không đủ. Các ngành: biểu diễn âm nhạc, biểu diễn nhạc cụ… có tính chất một thầy - một trò nên lớp ít học sinh hay lớp đông học sinh thì vẫn gặp khó khăn. Hiện tại, trường chủ yếu lấy kinh phí ngành du lịch bù cho ngành nghệ thuật…

 

Trường ĐH Khánh Hòa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn về đội ngũ giảng viên khi vừa thừa, vừa thiếu. Cụ thể, thừa giảng viên một số ngành ít học sinh, sinh viên; trong khi một số ngành đang tổ chức đào tạo có đội ngũ giảng viên chỉ đủ định mức tối thiểu. Cơ sở vật chất của trường cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của một trường ĐH. Hoạt động khoa học và công nghệ còn yếu về cả 3 mặt: quy mô, chất lượng và hiệu quả nghiên cứu. Tuy trường có thế mạnh về các ngành khoa học xã hội như: văn hóa, nghệ thuật, du lịch, nhưng nghiên cứu khoa học vẫn còn chú trọng nhiều về lĩnh vực khoa học tự nhiên…

 

Các ngành nghệ thuật của trường đang đứng trước nhiều khó khăn

Các ngành nghệ thuật của trường đang đứng trước nhiều khó khăn

 

Tìm giải pháp


Tại kỳ họp thứ 3 của Hội đồng Trường ĐH Khánh Hòa mới đây, các thành viên hội đồng đã thảo luận, góp ý xung quanh kế hoạch phát triển đào tạo và kế hoạch phát triển khoa học công nghệ của trường giai đoạn 2017 - 2020; chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2018 - 2019… Đồng chí Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng trường đã đề nghị ban giám hiệu nhà trường nghiên cứu, xem xét bỏ một số ngành không tuyển sinh được, tăng chỉ tiêu và thay thế các mã ngành khác đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và khu vực. Trong đó, trường cần tính toán thêm chỉ tiêu hệ bồi dưỡng sư phạm. Đối với hệ ĐH ngành sư phạm, trường cần làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo để có tính toán phù hợp với tình hình. Đối với các ngành nghệ thuật đang đứng trước nhiều khó khăn, nhà trường cũng cần nghiên cứu và chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ. Mặt khác, đào tạo cần gắn liền với nghiên cứu khoa học dựa trên thế mạnh của trường, của tỉnh và có những sản phẩm đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng chí Nguyễn Đắc Tài cũng cho biết, tỉnh sẽ ưu tiên tập trung kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên trình độ cao, đáp ứng việc nâng cao chất lượng đào tạo của trường, trên cơ sở nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể, nêu rõ số lượng, nội dung và kinh phí đào tạo…


TS. Lê Thị Mỹ Bình - Hiệu trưởng Trường ĐH Khánh Hòa cho biết, theo kế hoạch phát triển đến năm 2020, trường phấn đấu xây dựng và phát triển thành cơ sở giáo dục ĐH đa ngành theo định hướng là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ… Trường dự kiến sẽ mở thêm 3 ngành ĐH gồm: văn học (văn học - báo chí; truyền thông), quản trị kinh doanh (các chuyên ngành: quản trị khách sạn; quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; bán lẻ), Toán ứng dụng (hệ thống thông tin tài chính). Bên cạnh đó, mở thêm 2 ngành cao đẳng: thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa. Liên kết đào tạo sau ĐH với Trường ĐH Sư phạm Huế và Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng từ năm học 2017 - 2018; tổ chức đào tạo liên thông từ năm học 2018 - 2019. Trường cũng chuẩn bị điều kiện để đến năm 2020 làm hồ sơ xin phép đào tạo thạc sĩ 2 chuyên ngành: Văn học Việt Nam, Toán giải tích.


Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhà trường đặt ra đến năm 2020. Theo đó, năm học này, nhà trường sẽ thí điểm phân loại giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học theo 2 nhóm. Trong đó, nhóm một được nhà trường ưu tiên, đầu tư tập trung nghiên cứu chuyên sâu; nhóm hai là những giảng viên mới bắt đầu bằng một số sáng kiến kinh nghiệm. “Sự phân loại này hy vọng sẽ góp phần nâng cao, phát huy khả năng nghiên cứu của nhà trường, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào việc phát triển nhà trường và từng bước tiến tới tự chủ về khoa học công nghệ theo lộ trình tự chủ của trường”, TS Lê Thị Mỹ Bình cho biết.


H.NGÂN