Một người con xứ Thanh vì cảm phục tinh thần chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa đã cầm bút để văn học hóa những tư liệu lịch sử. Đó là nhà văn Mai Văn Trọng với tiểu thuyết Lời thề độc lập.
Một người con xứ Thanh vì cảm phục tinh thần chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa đã cầm bút để văn học hóa những tư liệu lịch sử. Đó là nhà văn Mai Văn Trọng với tiểu thuyết Lời thề độc lập.
Biết nhà văn Mai Văn Trọng (sinh năm 1940, quê Thanh Hóa) đã lâu, nhưng mãi gần đây, tôi mới có dịp gặp ông. Qua trò chuyện, được biết, nhà văn từng nhiều năm công tác trong ngành Lâm nghiệp, đến năm 2001 mới vào định cư ở Khánh Hòa và chính thức cầm bút viết văn từ đó. “Khi chuyển vào Khánh Hòa sinh sống, giao lưu với giới văn nghệ sĩ, tôi được biết về cuộc kháng chiến 101 ngày đêm của quân dân Nha Trang - Khánh Hòa. Cảm phục tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ nên tôi đã thu thập tư liệu để văn học hóa cuộc chiến đấu với tinh thần quyết tử này”, nhà văn Mai Văn Trọng chia sẻ.
Chuyện kể, nhà văn Mai Văn Trọng rất thích bài thơ Ngày đi - Ngày về của Đại tá Đỗ Anh Tịnh (người từng có mặt trong đội tự vệ thành đánh vào Ga Nha Trang sáng 23-10-1945) với những câu thơ gợi lại một thời oai hùng đã qua: “Nha Trang! Nha Trang! Phủ đầy khói lửa/Lớp trẻ chúng tôi gươm súng lên đường/…/ Lòng quyết tử vì quê hương ruột thịt/Tổ quốc lâm nguy, ơn nghĩa báo đền”. Khoảng năm 2004, ông bắt đầu thu thập tư liệu về những ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến, gặp những người chiến sĩ 23-10 để tìm hiểu… rồi viết nên Lời thề độc lập. “Tôi viết xong Lời thề độc lập từ tháng 4-2005 nhưng vì khó khăn về kinh phí nên đến năm 2010 mới cho xuất bản. Khi sách ra, bạn bè văn nghệ sĩ rất ủng hộ nên tôi được tiếp thêm niềm tin để đi tiếp con đường văn chương”, ông kể.
Lời thề độc lập dày gần 300 trang. Ở đó, nhà văn đã dẫn dắt độc giả về với không khí sục sôi của những ngày kháng chiến, tái hiện được nhiều sự kiện lịch sử của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, việc xây dựng căn cứ địa Đồng Trăng, khu phòng tuyến Bretelle - Chợ Mới; trận đánh quân Nhật ở Ga Nha Trang, trận đánh quân Pháp đồn trú tại Viện Pasteur; các hoạt động ở Diên Khánh - vùng hậu phương kháng chiến; cảnh người dân lần đầu tiên cầm phiếu đi bầu cử; tình cảm của người dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh… “Trên cơ sở của những tư liệu lịch sử, tôi kết nối các sự kiện, nhân vật với nhau để tạo nên bức tranh về Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến. Hầu hết các nhân vật, tôi đều lấy nguyên mẫu, chỉ hư cấu thêm những chi tiết nhỏ”, ông nói.
Đến với tác phẩm này, người đọc bắt gặp hình ảnh anh dũng, hiên ngang, bất khuất của những đội viên tự vệ thành, những chiến sĩ trong các đoàn quân Nam tiến; những người thợ quân khí, các nữ sĩ cứu thương hay những người bà, người mẹ ở hậu phương lo tiếp tế hậu cần… Tất cả mọi người đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, cùng nhau đồng lòng quyết tâm vì lý tưởng: “Thề hy sinh vì Tổ quốc”. Theo nhà văn, điều ông muốn gửi gắm qua tác phẩm này chính là phẩm chất, khí tiết anh hùng của những người con đất Việt nói chung, người dân Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng trong những ngày đầu kháng chiến. Những chàng trai tuổi trên dưới hai mươi “chưa trắng nợ anh hùng” đã bước vào cuộc chiến với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đều mang trong tim “Lời thề độc lập” như câu nói của nhân vật Võ Kỳ: “Tinh thần yêu nước trong lòng mỗi người dân Việt Nam luôn cháy âm ỉ như một lò lửa. Chỉ cần ngọn gió cách mạng thổi vào, nó sẽ bốc cao, lung linh tỏa sáng”.
72 năm đã qua kể từ ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến (23-10-1945), âm hưởng của những ngày chiến đấu oai hùng vẫn còn vang vọng đến hôm nay. Đáng tiếc, cho đến nay, ngoài tiểu thuyết Lời thề độc lập của nhà văn Mai Văn Trọng, vẫn còn quá ít tác phẩm lớn viết về thời kỳ này.
THÀNH NGUYỄN