10:10, 17/10/2017

Nhà văn Ma Văn Kháng - chim én liệng trời cao

Đầu tháng 9, nhà văn Ma Văn Kháng ra mắt tiểu thuyết "Chim én liệng trời cao" làm bao người ngỡ ngàng, bởi ở tuổi 81 ông vẫn viết và ra sách. Ông xứng đáng là bậc trưởng lão về tiểu thuyết của nền văn học Việt Nam đương đại.

Đầu tháng 9, nhà văn Ma Văn Kháng ra mắt tiểu thuyết “Chim én liệng trời cao” làm bao người ngỡ ngàng, bởi ở tuổi 81 ông vẫn viết và ra sách. Ông xứng đáng là bậc trưởng lão về tiểu thuyết của nền văn học Việt Nam đương đại.


Cái tên Ma Văn Kháng nổi tiếng từ thập niên 70 của thế kỷ trước với những tiểu thuyết lừng danh: Đồng bạc trắng hoa xòe, Miền biên ải, Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không giấy giá thú, Côi cút giữa cảnh đời… cho tới Heo may gió lộng, Gặp gỡ ở La Pán Tẩn, Một mình một ngựa… cùng nhiều tập truyện ngắn ấn tượng. Không chỉ sách, ông đến với bạn đọc bằng những truyện ngắn đặc sắc trên các báo, nhất là báo xuân. Có thể nói rằng, Ma Văn Kháng cùng với Tô Hoài trở thành nhà văn bút lực dồi dào và bền bỉ nhất.

 

Với cuốn tiểu thuyết mới Chim én liệng trời cao dày 400 trang do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, Ma Văn Kháng đang làm tất cả những gì còn dang dở của mình. Theo lời nhà văn, đây là quyển sách ông viết tiếp bản thảo từ hơn 40 năm trước. Hiển nhiên, với cuốn sách này, ông trở lại với núi đồi Tây Bắc nơi mình đã khởi nghiệp văn. Có thể nói, nếu Tô Hoài đến với Tây Bắc bằng dòng văn quá điêu luyện, có cảm giác rằng với tài nghệ phi phàm về ngôn ngữ, Tô Hoài đã biến tất cả những cảnh sắc, con người Tây Bắc thành đặc sản của Việt Nam, thì Ma Văn Kháng lại khác. Vốn xuất thân từ thầy giáo, được học hành bài bản, điều kiện làm việc tốt: giáo viên dạy văn cấp 3, hiệu trưởng trường, thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai nên Ma Văn Kháng đi sâu vào cuộc sống người Tây Bắc với tâm thế của một trí thức gốc Hà Nội để lẩy ra tất cả vỉa vàng của văn hóa Tây Bắc. Do đó, những quyển tiểu thuyết của ông vừa thấm đẫm chất văn học vừa phảng phất chất sử thi trong đó.


Cũng như Tô Hoài, Ma Văn Kháng - người con Hà Nội gốc khi trở về Thăng Long của mình thì ngòi bút cũng trở về phố phường Kẻ Chợ. Chỉ có điều, sau nhiều năm sống ở miền Tây Bắc về Hà Nội, ông đã nhận thấy cuộc sống con người nơi đây khác xa thời “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” như ở cuốn Mùa lá rụng trong vườn (năm 1985), cuốn sách thực sự bùng nổ vì lần đầu tiên có một quyển sách nói về cuộc sống người dân Hà Nội thời điểm cuối cùng của thời bao cấp với bao nhiêu bức bối, vật vã...

 

 

Ma Văn Kháng là bậc thầy về tiểu thuyết, điển hình là cuốn Mưa mùa hạ (năm 1982) khi ra đời xôn xao dư luận bởi những dòng văn nhuần nhuyễn vừa mềm mại vừa dữ dội như dòng sông. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, các giới phê bình quốc tế đánh giá đây cuốn sách hay nhất của Việt Nam thời điểm đó, ở trong nước thì được chuyển thể thành phim. Đọc xong cuốn sách, người đọc có cảm giác đang đứng nhìn cơn mưa mùa hạ thánh thót mà nước mắt thấm nhòe.


Văn của Ma Văn Kháng nhìn lướt qua thì rất lành, tuy nhiên ông có những đoạn triết luận làm người đọc phải suy nghĩ đến thảng thốt mới hiểu ý. Có trường đoạn dồn nén bằng câu chữ vừa mê hoặc vừa huyền bí đến cực điểm. Đặc biệt có những thành ngữ phố phường đem vào trang văn vừa lạ và xót xa: “Cuộc đời như vại dưa muối hỏng” (Đám cưới không giấy giá thú). Tuy nhiên, Ma Văn Kháng với chất một ông đồ nho thời Tây học mới làm gì cũng có giới hạn và khuôn khổ.


Sinh năm 1936 tại Hà Nội, Đinh Trọng Đoàn (tên thật của nhà văn) đã thực sự trở thành một hiện tượng. Ông đạt tất cả những gì vinh quang của người cầm bút: Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng ASEAN, giải thưởng Hội Nhà văn… Và trên tất cả, hàng triệu bạn đọc nửa thế kỷ qua đã đem những trang văn thấm đẫm tình yêu nhân hậu của ông vào tâm hồn mình.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG