10:09, 20/09/2017

Nỗ lực bảo tồn hội bài chòi dân gian

Bây giờ, nhiều du khách đến Nha Trang rất thích thú khi được xem, chơi hội bài chòi ở công viên bờ biển vào cuối tuần. Thế nhưng, không phải ai cũng biết, để có được hội bài chòi như hiện nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa đã bỏ không ít công nghiên cứu, phục dựng.

 

Bây giờ, nhiều du khách đến Nha Trang rất thích thú khi được xem, chơi hội bài chòi ở công viên bờ biển vào cuối tuần. Thế nhưng, không phải ai cũng biết, để có được hội bài chòi như hiện nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa đã bỏ không ít công nghiên cứu, phục dựng.


Nỗ lực phục hồi


Theo các nhà nghiên cứu, bài chòi đã xuất hiện ở Khánh Hòa từ cuối thế kỷ XIX. Trong đó, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Nha Trang, Diên Khánh là những địa phương phát triển mạnh về hội bài chòi, cũng như có nhiều gánh hát bài chòi. Qua sự biến thiên của lịch sử, hội bài chòi ngày càng ít được tổ chức, số người biết hô hát bài chòi không còn nhiều.

 

Theo ông Nguyễn Phương Đông - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, năm 1996, ngành Văn hóa tỉnh đã cho phục hồi lại hội bài chòi tại khu triển lãm 2-4 (hiện nay là Nhà Thiếu nhi tỉnh) nhưng đã thất bại do hội bài chòi khi ấy thiếu anh Hiệu như truyền thống, không thu hút được người tham gia chơi. Từ năm 2002, xã Diên Toàn (huyện Diên Khánh) với sự hỗ trợ của Công ty Điện tử TQT đã tổ chức hội bài chòi phục vụ người dân vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán. Hội bài chòi này đã thu hút rất nhiều người chơi đến từ các xã lân cận. Tuy nhiên, hội chơi vẫn chưa đúng với nguyên bản truyền thống. Chính vì thế, từ năm 2005 đến 2009, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã cử cán bộ đi khảo sát ở Quảng Nam, Bình Định để xây dựng phương án phục dựng hội bài chòi. Tuy nhiên, vì sự khác biệt về cách chơi, cách hô hát và cũng thiếu nguồn lực kinh phí nên chưa thể phục dựng.  


Cuối năm 2009, Trung tâm Văn hóa tỉnh thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống, trong đó mục đích chính là xây dựng lực lượng hô hát bài chòi (anh Hiệu).  Đến năm 2013, với sự chỉ đạo sát sao của Sở Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã phục dựng thành công hội bài chòi phục vụ cho Festival Biển 2013. “Với sự chuẩn bị về lực lượng từ trước, cộng thêm sự giúp đỡ của các nghệ nhân đến từ Bình Định, lực lượng người chơi để gây dựng phong trào..., hội bài chòi tại Festival Biển 2013 đã thành công hơn cả mong đợi với 40 hội bài được tổ chức trong 4 đêm”, ông Đông cho biết.


Từ năm 2014, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã đưa hội bài chòi thành hoạt động thường niên trong chương trình văn hóa Mừng Đảng - Mừng Xuân. Đến năm 2015, UBND tỉnh đã đồng ý hỗ trợ kinh phí tổ chức hội bài chòi vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần tại công viên bờ biển TP. Nha Trang. Hiện tại, Câu lạc bộ bài chòi của nghệ nhân Nguyễn Dũng (Diên Khánh) đảm nhiệm việc tổ chức hội bài chòi ở đây và thu hút rất đông người chơi. Đến nay, trong khu vực miền Trung chỉ có Khánh Hòa và Quảng Nam tổ chức được hội bài chòi quanh năm, góp phần bảo tồn loại hình văn hóa truyền thống này.

 

Chương trình Bài chòi với học đường do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức tại thị xã Ninh Hòa năm 2016

Chương trình Bài chòi với học đường do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức tại thị xã Ninh Hòa năm 2016

 

Đưa bài chòi vào học đường

 

Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao: Việc Trung tâm Văn hóa tỉnh phục dựng thành công hội bài chòi dân gian có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bài chòi. Thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình bảo tồn nghệ thuật bài chòi theo đặc thù của địa phương; trong đó có việc hỗ trợ các câu lạc bộ, nghệ nhân trong việc truyền dạy di sản nghệ thuật bài chòi tại cộng đồng; xây dựng các hội chơi bài chòi...

Bên cạnh việc tổ chức hội bài chòi, năm 2016, theo chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức các chương trình Sân khấu học đường với bài chòi dân gian. Theo đó, trung tâm đã tổ chức chương trình “Bài chòi với học đường” tại 12 trường THCS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các nghệ sĩ giới thiệu với giáo viên và học sinh về nguồn gốc và sự phát triển của bài chòi, hướng dẫn cách chơi bài chòi, biểu diễn một số trích đoạn bài chòi nổi tiếng như: Lưu Bình - Dương Lễ, Lâm Sanh - Xuân Nương...  


Bà Nguyễn Tường Vy - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: “Ở đề án này, chúng tôi không dạy các em biểu diễn ca kịch bài chòi, mà tổ chức như một giờ sinh hoạt ngoại khóa về bài chòi theo phương châm học vui - vui học. Với việc tập cho học sinh chơi bài chòi, chúng ta sẽ lưu giữ được cái gốc của bài chòi, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ”. Theo kế hoạch, năm nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh tiếp tục tổ chức khoảng 12 - 15 chương trình “Bài chòi với học đường” (dự kiến từ tháng 10-2017). Trong đó, trung tâm sẽ phối hợp với một số trường ở Nha Trang để đưa học sinh đến xem, chơi bài chòi ở công viên bờ biển.


Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật bài chòi có 3 giai đoạn phát triển: từ trò chơi bài chòi đến bài chòi chiếu, bài chòi đất (một người đóng nhiều vai), đỉnh cao là ca kịch bài chòi. “Để bảo tồn được bài chòi, trước hết phải bảo tồn cái gốc của nó chính là trò chơi bài chòi. Theo tôi, cần đẩy mạnh hơn nữa việc bảo tồn và phát triển hội bài chòi dân gian. Phải làm sao cho hội bài chòi được hiện hữu vào Tết Nguyên đán ở tất cả các trung tâm huyện, thị xã, thành phố của tỉnh”, ông Nguyễn Tứ Hải - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh bày tỏ.


THÀNH NGUYỄN