Trong làng mỹ thuật Khánh Hòa, Ngô Thái Bình là một trong những họa sĩ có thâm niên nhưng hơi trầm lặng. Nhắc đến ông, giới yêu hội họa nhớ ngay đến những tác phẩm giàu suy tư với cách dùng tông màu lạnh nhuần nhuyễn giàu sắc độ.
Trong làng mỹ thuật Khánh Hòa, Ngô Thái Bình là một trong những họa sĩ có thâm niên nhưng hơi trầm lặng. Nhắc đến ông, giới yêu hội họa nhớ ngay đến những tác phẩm giàu suy tư với cách dùng tông màu lạnh nhuần nhuyễn giàu sắc độ.
Từ dư âm chiến tranh...
Ngô Thái Bình đam mê hội họa từ nhỏ. Sau 5 năm trải qua đời lính, ông theo học tại Đại học Mỹ thuật Huế. Ra trường, về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa với vai trò họa sĩ thiết kế sân khấu, ông vẫn âm thầm sáng tác. Đề tài mà Ngô Thái Bình ghi dấu ấn đầu tiên đó là những bức tranh về nỗi đau của chiến tranh, khát vọng hòa bình như: Lời ru của rừng, Trăng lên, Kỷ vật mang theo…
Lời ru của rừng được Ngô Thái Bình vẽ theo phong cách lập thể quen thuộc của ông. Ở đó, giữa rừng già hun hút sâu thẳm có một cánh võng sót lại từ thời chiến tranh cùng chiếc ba lô bạc màu chiến trận và chân dung người mẹ - kỷ vật được người lính vô danh mang theo bên mình cho tới giờ phút cuối cùng ngã xuống giữa rừng già. Phía dưới xa là dòng suối xanh trong chảy vắt qua rừng; ngày ngày, tiếng suối reo hòa cùng tiếng gió làm thành bản nhạc rừng ru hồn người lính yên nghỉ. “Năm 2005, tôi lên Hòn Bà tìm cảnh quay để làm phim ca nhạc. Các công nhân phá rừng mở đường kể rằng, họ đã bắt gặp một cánh võng rách nát trên hai ngọn cây cao đong đưa theo gió. Khi lên hạ chiếc võng xuống vẫn còn một ít xương cốt, cùng quân trang đã mục nát theo năm tháng… Nghe chuyện, tôi trăn trở mãi làm sao để chuyển tải được câu chuyện bi hùng này vào tác phẩm. Phải 3 năm sau, tôi mới thành công khi chuyển tải câu chuyện này qua tác phẩm Lời ru của rừng”, ông kể.
Cũng là đề tài chiến tranh, bức tranh Trăng lên lại là khoảng lặng sau trận chiến. Một thân cây bị gãy vì đạn bom, chiếc xanh tuya (thắt lưng để dắt súng) của người lính xấu số, vài vỏ đạn hoen rỉ còn vương vãi… Giữa khung cảnh đậm màu tang thương, chết chóc đó là chiếc mũ của người lính đựng đầy nước mưa rừng trở thành tấm gương phản chiếu ánh trăng thanh. Tất cả đều được thể hiện với gam màu xanh sắc lạnh. Vầng trăng xa xanh thanh bình ấy thật nên thơ nhưng cũng chính là lời tố cáo chiến tranh đanh thép.
... đến những cơn bão lòng
Ngoài những tác phẩm mang âm hưởng chiến tranh, họa sĩ Ngô Thái Bình còn rất thành công với những tác phẩm đầy trăn trở về đề tài hôn nhân, gia đình. Trong đó, Một đêm trăng tràn ngập những ánh trăng lạnh lẽo vụn vỡ, thấp thoáng là người phụ nữ bồng con ra đi trong đêm. Âm bản duy nhất là khuôn hình cưới vỡ toang với tâm điểm là đứa bé thơ ngây tay cầm tấm phim chụp ảnh cưới như đang tự hỏi vì sao nên nỗi này? Dường như khi tâm hồn càng đau đớn, ông lại càng thăng hoa trong sáng tạo.
Họa sĩ Ngô Thái Bình sinh năm 1957 tại Hải Phòng. Ông đã đạt các giải thưởng: Giải nhì Triển lãm tranh, tượng sinh viên toàn quốc năm 1992 (tác phẩm Trên tầng cao); giải C Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên năm 2008 (Lời ru của rừng); giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên mở rộng năm 2017 (Quả đầu mùa). |
Cũng là sự đổ vỡ, nhưng Mảnh giấy màu đỏ đem lại cảm giác đớn đau, nhức nhối. Người đàn ông ở giữa bức tranh với khuôn mặt đầy tâm trạng, lồng ngực đang vỡ tung thành nhiều mảnh, xung quanh là những chiếc thiệp hồng rụng rơi lả tả, phía sau là hình dáng hai người phụ nữ quay đầu bước đi. Trong khi đó, tác phẩm Phía sau mặt nạ là sự “lột trần” đời sống cá nhân của ông với người phụ nữ, phía dưới là hình vẽ đồng tiền xu úp ngửa cùng ảnh con bướm đang đùa giỡn với bông hoa. Dù mức độ đậm nhạt khác nhau, những ai thân quen có thể nhìn thấy ở đó bóng dáng cuộc đời ông.
Thời gian gần đây, tranh của Ngô Thái Bình đã “bình lặng” hơn. Các tác phẩm của ông gần đây như: Hoa của biển, Qua miền trung du, Thầu dầu tía, Quả đầu mùa... đã ánh lên sắc màu ấm áp, vui tươi. Hỏi chuyện, họa sĩ tâm sự, không ai sống mãi với quá khứ, và giờ đây ông cũng đã tìm thấy sự an yên trong tâm hồn cùng niềm vui với giá vẽ. Có một điều đáng khen ngợi, dù vẽ về chiến tranh, hôn nhân gia đình hay phong cảnh, Ngô Thái Bình vẫn luôn để lại dấu ấn riêng trong cách tạo hình cũng như màu sắc. Những bức tranh theo phong cách lập thể pha biểu hiện, cùng nghệ thuật sử dụng màu lạnh nhuần nhuyễn với nhiều sắc độ đã trở thành “thương hiệu” của ông.
XUÂN THÀNH