10:08, 01/08/2017

Đề án Số hóa truyền hình: Gặp khó về đơn vị truyền dẫn

Theo thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 31-12-2017 sóng truyền hình analog trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ phải ngừng phát. Tuy nhiên đến nay, việc tìm đơn vị cung cấp hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn.

 

Theo thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), từ ngày 31-12-2017 sóng truyền hình analog trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ phải ngừng phát. Tuy nhiên đến nay, việc tìm đơn vị cung cấp hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn.


Người dân đã sẵn sàng


Chỉ còn 5 tháng nữa là đến kỳ hạn ngừng phát sóng truyền hình analog trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Sở TT-TT cùng các đơn vị liên quan đã đẩy mạnh việc tuyên truyền về Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Đề án Số hóa truyền hình). Theo đó, sở đã phối hợp với các nhà mạng: Mobifone, Viettel, Vinaphone để thực hiện việc nhắn tin thông báo cho khách hàng về thời điểm ngừng phát sóng truyền hình analog với tần suất 1 lần/tháng. Từ tháng 10-2017, việc nhắn tin sẽ được nâng lên 2 lần/tháng. Bên cạnh đó, sở cũng phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao triển khai các đợt tuyên truyền lưu động về số hóa truyền hình đến các địa bàn người dân khó tiếp cận phương tiện thông tin đại chúng; cấp phát đĩa CD về Đề án Số hóa truyền hình cho đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã thực hiện tuyên truyền…

 

Theo ông Lê Anh Vũ - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) tỉnh, hiện nay, người dân trong tỉnh sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, chảo thu tín hiệu truyền hình vệ tinh rất nhiều, chỉ còn số ít dùng anten thường để thu tín hiệu analog. Thế nên, việc ngừng phát sóng tín hiệu analog không gây quá nhiều xáo trộn đối với việc xem truyền hình của người dân. Anh Nguyễn Văn Phương (tổ 13 thôn Vĩnh Điềm Thượng, Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi đã nhận được thông báo về thời điểm ngừng phát sóng tín hiệu truyền hình analog. Nhà tôi có 2 ti vi, một cái thế hệ mới đã tích hợp sẵn đầu thu nên không cần chuyển đổi, cái còn lại tôi sẽ mua đầu thu DVB-T2 để xem…”.

 

Đề án số hóa truyền hình sẽ không gây nhiều xáo trộn đối với việc xem truyền hình của người dân

Đề án số hóa truyền hình sẽ không gây nhiều xáo trộn đối với việc xem truyền hình của người dân

 

Sẽ thay đổi đơn vị thực hiện truyền dẫn?

 

Theo khảo sát của Sở TT-TT, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 243.576 hộ gia đình có máy thu hình, trong đó có 82.384 hộ (33,8%) sử dụng anten, chảo để thu tín hiệu truyền hình vệ tinh; 103.197 hộ (42,4%) sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền. Triển khai Đề án Số hóa truyền hình, toàn tỉnh sẽ có ít nhất 57.995 hộ gia đình (23,8%) bị ảnh hưởng. Trong đó, có 29.165 hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ đầu thu truyền hình số, còn lại 28.830 hộ phải tự chuyển đổi phương thức thu truyền hình (mua đầu thu truyền hình số mặt đất hoặc ti vi có tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất).

Tháng 3-2017, Bộ TT-TT có văn bản thông báo kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam, trong văn bản có ghi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) được chỉ định có nhiệm vụ triển khai phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2, trong đó có địa bàn Khánh Hòa. UBND tỉnh đã giao Đài PT-TH Khánh Hòa chủ trì làm việc với VTV về việc cung cấp hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Hoài - Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh cho biết, đến nay, việc triển khai hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất vẫn chưa được tiến hành, bởi phía VTV không mấy mặn mà. Hiện nay, Công ty TNHH Truyền hình Kỹ thuật số miền Nam (SDTV) đang đặt vấn đề đảm nhiệm việc triển khai phần hạ tầng truyền dẫn. Tuy nhiên, trước đây SDTV chỉ được cấp giấy phép thực hiện ở 20 tỉnh, thành khu vực miền Nam nên muốn triển khai ở Khánh Hòa và các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thì phải xin giấy phép. “Hiện nay, chúng tôi đang chờ SDTV có giấy phép thì mới có thể bàn thảo để ký hợp đồng triển khai”, ông Hoài nói.


Theo khảo sát của Đài PT-TH tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 21 điểm thu sóng truyền hình không tốt, sóng yếu, bị bóng nhiều hoặc không thu được do ở vùng lõm bị núi che khuất, đặc biệt huyện Khánh Vĩnh có đến 7/14 xã không thu được. Theo đó, khi triển khai thử nghiệm hạ tầng truyền dẫn phát sóng trên địa bàn tỉnh sẽ khảo sát vùng lõm, nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng tín hiệu không ổn định. “Giải pháp để khắc phục tình trạng vùng lõm tín hiệu là thực hiện các trạm lặp. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cho biết phải có 20.000 đầu thu thì việc xây dựng trạm lặp mới hiệu quả nên trên thực tế rất khó thực hiện. Bộ TT-TT đã cho phép xóa bỏ vùng lõm bằng việc lắp các chảo thu tín hiệu vệ tinh”, ông Lê Anh Vũ cho biết.


XUÂN THÀNH