09:07, 11/07/2017

Quả bầu qua cái nhìn dân gian

Ở nông thôn, có nhà trồng giàn bầu ở trước sân vừa cho mát nhà vừa có trái để ăn, có nhà trồng nhiều để bán. Những dây bầu vươn dài trên giàn, lá tròn xòe rộng, xanh thắm, rợp bóng mát một góc sân hay góc vườn.

Ở nông thôn, có nhà trồng giàn bầu ở trước sân vừa cho mát nhà vừa có trái để ăn, có nhà trồng nhiều để bán. Những dây bầu vươn dài trên giàn, lá tròn xòe rộng, xanh thắm, rợp bóng mát một góc sân hay góc vườn. Những quả bầu màu xanh nhạt hay đậm, có nhiều hình dạng khác nhau, có quả hình trụ (ở bầu thì tròn, ở ống thì dài), có quả co thắt lại như bầu rượu, treo mình, đung đưa dưới giàn chờ mẹ, chị hái vào để chế biến thành những món ăn ngon.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Cây bầu mọc rất khỏe, sinh nhiều rễ phụ ở các đốt thân. Bầu ưa đất cao ráo, vì là loài dây leo (bầu leo, dây bí cũng leo) nên người ta thường làm giàn cho nó leo. Nếu trồng đúng thời vụ và chăm sóc tốt, bầu cho nhiều quả, ít ruột, năng suất cao. Kinh nghiệm của dân gian, “muốn ăn bầu, trồng đầu tháng chín” hay “tiết đông chí trồng bí trồng bầu”, vì trồng mùa mưa, đến mùa nắng bầu ra trái nhiều hơn.


Quả bầu là loại thực phẩm rất quen thuộc với người dân. Nó thường xuất hiện trong mỗi bữa ăn với các món như: nấu canh, xào, luộc…, lá non cũng có thể luộc để làm rau ăn. Không những thế, quả bầu có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, là nguồn tốt về vitamin B và C.


Bầu luộc chấm nước cá hay mắm nêm, mắm ruốc là món ăn ngon miệng. Bầu cũng có thể đem xào với thịt bò hay với tôm, trứng. Đơn giản hơn, bầu đem xào với dầu phụng khử hành, thêm chút muối, bột ngọt, hành lá, tiêu bột cũng là món ăn dân dã nhưng ngon. Bầu đem nấu canh với tôm, cua, thịt… nước rất ngọt. “Canh bầu nấu với cá trê/ăn vô cho mát mà mê vợ già”, “canh bầu nấu với tép khô/dẫu thác xuống mồ ngồi dậy đòi ăn”… Ngoài ra còn có món cá trầu (cá lóc) hấp bầu, tức là con cá đã làm hết nhớt, ruột sạch sẽ, khía vài đường lên thân cá, ướp gia vị, đưa vào nằm giữa trái bầu đã khoét ruột rồi đem hấp. Bao nhiêu chất ngọt của cá, của bầu hội tụ lại làm món ăn rất ngon ngọt. Nếu quả bầu nhiều, ăn không hết, người dân quê thường gọt vỏ, xắt lát, phơi khô để dành. Bầu khô ngâm nước, rửa sạch rồi kho cá rất ngon.


Nhìn quả bầu, quả bí leo trên giàn, người xưa lấy hình ảnh đó làm bài học: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, nhắc nhở con người hãy nghĩ lấy tình tương thân, tương ái mà sống với nhau. Trong tình yêu đôi lứa, người con gái thấy dây bầu mà than thở: “Ai làm bầu bí đứt dây/em ở bên này, anh ở bên kia”. Còn anh “bây giờ anh lại tham giàu/ham nơi chín chục dãy ruộng, ham bầu mười dây”. Người con gái nhắn nhủ: “Bầu non, bí mới tượng hình/đôi ta mới gặp, dứt tình sao nên?”. Lại có anh chàng bị chê là thân hình nhỏ con, anh chàng chống chế: “Em đừng khinh quân tử nhỏ nhoi/ con lươn bao lớn nó xoi lủng bờ/em ơi đừng thấy nhỏ mà rầu/con ong bao lớn (mà) đốt cái bầu cù queo!”.


Bầu, bí qua cái nhìn dân gian cũng thấy vui vui…



NGÔ VĂN BAN