11:07, 07/07/2017

Hồn cao nguyên trong âm nhạc Trần Tiến

Đời du ca lang bạt đã đưa nhạc sĩ Trần Tiến đến với cao nguyên huyền thoại, nơi có những ngọn lửa rực sáng rừng già, có đàn chim ch'rao bay qua bầu trời, có tiếng đàn Chapi gọi mùa yêu thương, có người con gái đêm thêu áo đợi người yêu…

Đời du ca lang bạt đã đưa nhạc sĩ Trần Tiến đến với cao nguyên huyền thoại, nơi có những ngọn lửa rực sáng rừng già, có đàn chim ch’rao bay qua bầu trời, có tiếng đàn Chapi gọi mùa yêu thương, có người con gái đêm thêu áo đợi người yêu… Bằng những ca khúc say đắm lòng người, Trần Tiến đã gợi nên hồn cốt cao nguyên...


Nhạc sĩ Trần Tiến sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, được bồi đắp bởi phù sa văn hóa sông Hồng. Với căn mệnh thiên di, ông đã “lăn” vào đời, rải dấu giày của mình khắp chốn nhân gian. Trên bước đường phiêu bạt, người nhạc sĩ ấy đã đặt chân đến Tây Nguyên huyền thoại và để lại cho đời những khúc nhạc ngẫu hứng, đắm say.  

 

Nhạc của Trần Tiến là âm nhạc thế sự, mỗi ca khúc dường như là một câu chuyện kể về những phận người, những câu chuyện tình đẹp đến nao lòng. Chiếc vòng cầu hôn được phôi thai từ câu chuyện tình của cô gái người K’ho ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Chuyện là, trong những ngày đi thực tế, huyện Lạc Dương đã cử một cô gái đi cùng nhạc sĩ để giới thiệu những nét văn hóa xứ này. Cô gái thường đeo một chiếc vòng bạc mỏng trên cổ tay. Biết nhạc sĩ thích chiếc vòng nhưng cô gái không thể tặng, bởi người miền núi chỉ tặng chiếc vòng cho người mình yêu. Sau này có người kể, cô gái ấy đã chờ người yêu đi lính chưa về dù chiến tranh đã đi qua vài năm. Nghe chuyện, nhạc sĩ chợt nhớ ra những ngày ở chiến trường Trường Sơn, ông từng thấy người lính chết trận trên tay vẫn lấp lánh chiếc vòng hứa hôn… Từ đó, nhạc sĩ đã viết nên những ca từ đầy ám ảnh: “Một sớm yên lành. Một người lính rời xa quê nhà, mang theo chiếc vòng tay cầu hôn”. Người lính ra trận và cô gái đêm đêm ngồi thêu áo bên thềm “thương anh, thương anh thêu áo em chờ anh”. Không còn là một câu chuyện tình giản đơn, nhạc sĩ đã khái quát lên thành câu chuyện tình thời chiến. Họ cũng như bao thế hệ người Việt đã hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc lứa đôi cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.


Với Chuyện tình thảo nguyên mà nhiều người biết đến qua tiếng hát của Trần Thu Hà, Y Jack Arul cũng là một câu chuyện tình tuyệt đẹp. Cô sơn nữ đẹp như bông hoa rừng đem lòng yêu anh chàng thương binh trở về làng với cây đàn t’rông xưa. “Đôi chân anh thôi leo núi, đôi tay anh thôi chơi đàn” nhưng nào có hề chi vì người sơn nữ đã bù đắp cho anh tất cả mà không hề toan tính. Năm tháng đi qua êm ấm trong căn nhà nhỏ chênh vênh trên sườn núi. “Đôi khi tình yêu vẫn thế, yêu nhau chỉ vì yêu nhau”, nhạc sĩ lý giải một cách nhẹ nhàng như thế.

 

Nhạc sĩ Trần Tiến

Nhạc sĩ Trần Tiến

 

Đời du ca lang bạt đã khiến Trần Tiến luôn mang khát vọng về một xứ sở tự do, thanh bình với những con người sống để yêu nhau. Một ngày, đến vùng Bác Ái, Ninh Thuận, nhạc sĩ bắt gặp đôi vợ chồng già sinh sống rất yên bình. Hỏi chuyện, người chủ nhà cho biết, sau khi rời quân ngũ, ông về quê lấy vợ. Họ sống rất hạnh phúc với ngôi nhà nhỏ cùng ruộng nương, đàn dê thả rong quanh đồi. Từ đó, nhạc sĩ đã mơ tới một miền cao nguyên mênh mông, bạt ngàn rừng cây và núi rừng hùng vĩ, ở đó không còn khái niệm về thời gian, chỉ có một mùa yêu thương. Từ đó, Giấc mơ Chapi được bay lên: “Ở nơi ấy, tôi đã thấy, trên ngọn núi cao, có hai người, chỉ có hai người yêu nhau. Họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng mưa. Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau”. Khi nhạc sĩ viết “Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn”, nhạc sĩ như muốn người nghe vứt bỏ đi những ham muốn, sân si thường tình để đến với xứ sở đầy tình yêu.


Trong âm nhạc Trần Tiến, núi là chứng nhân của tình yêu, là biểu trưng của xứ sở tự do và yên bình, là cội nguồn của sự sống. Tình yêu cao nguyên trong ông cứ lớn dần và đến ngày bùng cháy thành Ngọn lửa cao nguyên với những ca từ rực lửa: “Cháy lên đi lửa thiêng cao nguyên. Còn mãi trong ta tình yêu cao nguyên…”. Có người nhận xét rằng, với Ngọn lửa cao nguyên, Trần Tiến đã đốt lên ngọn lửa mà hơi nóng của nó, ánh sáng hồng rực ấm áp diệu kỳ cửa nó còn kéo dài đến thiên thu.


Không cần địa danh kiểu như: Ơi Madrak, Ly cà phê Ban Mê của Nguyễn Cường, chỉ với 4 ca khúc: Chiếc vòng cầu hôn, Ngọn lửa cao nguyên, Chuyện tình trên thảo nguyên và Giấc mơ Chapi, Trần Tiến đã vẽ nên một cao nguyên đầy sức mê hoặc. Lời ca khi hừng hực lửa cháy, khi lại an nhiên đến tột cùng… nhưng sau cuối vẫn toát lên hồn cốt của núi rừng. Ở đó, những con người hồn nhiên sống, yêu thương đắm say trong khát vọng trường tồn cùng đại ngàn!


THÀNH NGUYỄN