Được tin nhạc sĩ Thuận Yến được Chủ tịch nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào đầu tháng 4 thực sự gây xúc động lớn lao cho công chúng, bạn bè cùng người thân của người nhạc sĩ tài hoa xứ Quảng.
Được tin nhạc sĩ Thuận Yến được Chủ tịch nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào đầu tháng 4 thực sự gây xúc động lớn lao cho công chúng, bạn bè cùng người thân của người nhạc sĩ tài hoa xứ Quảng.
Cái tên Thuận Yến gắn liền với rất nhiều ca khúc đậm chất trữ tình, dạt dào tình yêu đất nước và con người trong suốt hơn 50 năm qua, nhưng ấn tượng nhất vẫn là những ca khúc viết về Bác Hồ. Điều đặc biệt, số bài hát hay đi vào lòng công chúng tỷ lệ thuận với số lượng bài hát của ông, có thể kể như: Miền Nam trong tim Bác, Bác Hồ một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Người về thăm quê, Miền Trung nhớ Bác… Lý giải vì sao một nhạc sĩ quân đội, luôn ở chiến trường ác liệt mà lại có tình cảm dạt dào về lãnh tụ như thế, nhạc sĩ Thuận Yến từng chia sẻ: “Tôi là người may mắn được hát biểu diễn cho Bác! Tuy nhiên, điều tôi luôn ghi dấu ấn về Bác là tình yêu thương bao la của Người với những người con xa như chúng tôi, khi ở bên Bác. Người đã dành tất cả những gì mà Người có, từ vật chất và tinh thần cho chúng tôi… quý giá tới mức chúng tôi không dám sử dụng, tất cả đều dành đem về cho đồng đội ở miền Nam! Chúng tôi ra chiến trường trong tim có Bác…”. Những ca khúc về Bác của ông phần lớn đều được sáng tác khi hòa bình lập lại, lúc Bác đã đi xa… Điều kỳ lạ này có thể lý giải, thời gian trôi đi, những cảm xúc dạt dào, bùng cháy năm xưa về Người đã dịu lại, sâu lắng hơn, thấm đẫm hơn vào tiềm thức để cứ thế mà tuôn ra cùng nước mắt của người hạnh phúc.
Ngoài chủ đề về Bác Hồ thì Thuận Yến là tác giả của những ca khúc đậm chất trữ tình lãng mạn cách mạng: Chia tay hoàng hôn, Hương tràm, Màu hoa đỏ, Tình yêu không lời, Con gái mẹ đã thành chiến sĩ, Khát vọng, Gió chuyển mùa… Nhiều người yêu nhạc Thuận Yến bởi hình như ông chắt hết tình yêu thương dành cho vợ, cho con…, đặc biệt là con gái! Có thể lấy dẫn chứng bài Chia tay hoàng hôn dù phổ thơ Hoài Vũ nhưng đó chính là hoàn cảnh của nhạc sĩ khi ông phải chia tay vợ giữa chiến trường ác liệt. Hay bài Hương tràm cũng một cảm xúc tương tự…
Nhạc sĩ Thuận Yến tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1932 ở Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam bên bờ sông Thu Bồn xanh ngát bờ tre hiền hòa. Ngay từ nhỏ, ông đã yêu nhạc, biết chơi măng đô lin, rành về nốt nhạc. Chính nhờ được sống trong miền đất trầm tích văn hóa lớn hàng nghìn năm như Mỹ Sơn, Trà Kiệu có những điệu hò, vè, bài chòi, hát bội xứ Quảng đã tắm mát tâm hồn ông. Sau này thoát ly vào Bình Định gặp các văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Tế Hanh, Nguyễn Thành Long, Phan Thao và đặc biệt là nhạc sĩ đồng hương tài hoa Phan Huỳnh Điểu đã dẫn dắt ông vào làng văn nghệ, công việc đầu tiên là tham gia đoàn văn công liên khu V. Khi bắt đầu sáng tác, ông lấy bút danh là Thuận Yên - tên ghép quê cha Duy Thuận - quê mẹ Duy Yên, nhưng khi gửi bài ra Đài Tiếng nói Việt Nam, các biên tập viên viết nhầm, thêm dấu sắc thành Thuận Yến… Không ngờ đó là điềm báo của một cánh én tài hoa của làng âm nhạc sau này.
Tài năng và tính cách nhân hậu của Thuận Yến không phải tới hôm nay, mà sinh thời khi ông sống và làm việc đều được bạn bè, đồng nghiệp kính trọng. Còn NSƯT Thanh Lam - con gái của nhạc sĩ Thuận Yến chia sẻ: “Tôi thật hạnh phúc là con gái của ông, tôi lớn lên trong tiếng đàn của mẹ và trưởng thành được hát những bài hát hay nhất mà ba viết dành cho tôi!”.
Thuận Yến - cánh chim yến bay trên dòng sông Thu Bồn xứ Quảng đan nên những nốt nhạc giữa bầu trời hòa bình.
Dương Trang Hương