Cho đến hôm nay, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời xa "cõi tạm" 16 năm. Đó là một quãng thời gian không hề ngắn, đủ để làm nhiều điều, nhiều người chìm vào lãng quên. Thế nhưng, với người yêu nhạc, dường như Trịnh vẫn quanh đây bởi mọi người vẫn nghe, hát và đàm đạo về Trịnh mỗi ngày.
Cho đến hôm nay, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời xa “cõi tạm” 16 năm. Đó là một quãng thời gian không hề ngắn, đủ để làm nhiều điều, nhiều người chìm vào lãng quên. Thế nhưng, với người yêu nhạc, dường như Trịnh vẫn quanh đây bởi mọi người vẫn nghe, hát và đàm đạo về Trịnh mỗi ngày.
Thuở hai mươi mới vào đời, tôi đến với những tình khúc của Trịnh Công Sơn với một niềm đam mê lạ kỳ. Những ca khúc: Diễm xưa, Biển nhớ, Hạ trắng, Tình sầu… đã thổi vào hồn tôi dư âm ngọt ngào, đắng đót của những mối tình như sóng lênh đênh. Những lời ca “Ngày sau sỏi đá vẫn cần có nhau”, “Áo xưa dù nhàu vẫn xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau”… đã trở thành câu kinh nguyện cầu cho những cuộc tình của tuổi hoa niên đầy mộng mơ. Từ tình khúc, rồi tìm đến ca khúc thể loại khác, để rồi biết đến gia tài âm nhạc to lớn của ông… Bao năm qua, tôi chưa bao giờ hết bị cuốn hút bởi những giai điệu, ca từ thâm sâu ấy. Ngày còn trẻ, tôi nghe Trịnh với những thanh âm từ máy nghe nhạc, giờ đây nghe Trịnh nhiều hơn với những dư âm vang dội từ trong tim. Như một hôm nào nghe tiếng gà gáy trưa bỗng giật mình nhớ Lời thiên thu gọi về “ngồi yên dưới mái nhà”. Hay sáng mai nay, nhìn chiếc xe tang trên đường phố để rồi thấy đời là cát bụi, có khi ta đã “sống rất ơ hờ”. Cứ vậy, mỗi khi một giai điệu của Trịnh vang lên từ máy hát hay từ trong tâm tưởng, tôi lại nhớ về những bạn bè “tưởng rằng đã quên”, những “hẹn hò từ nay khép lại”, về “quê quán tôi xưa” đã lâu không về và đôi khi nghĩ về những thiên thu không bến bờ. Tâm trạng đấy, buồn đấy, chết chóc đấy nhưng không bi lụy, cuối cùng bao giờ cũng là một sự an nhiên nhẹ nhõm bởi lòng đã mang niềm tin “em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh”. “Hãy cứ vui như mọi ngày. Bên trời còn nắng, lá trời còn xanh”!
Năm tháng qua đi, bao nhiêu trào lưu âm nhạc đến rồi đi, người Việt vẫn nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Càng ngày tôi càng thấy Trịnh gần hơn, đời hơn, hiện diện khắp ngõ ngách đời sống này. Mỗi khi rơi vào một cảnh ngộ nào đó, trong lòng vang lên những lời ca của Trịnh, từ chuyện “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” đến chuyện bạn bè gục ngã trên đường đời như “ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương”. Những lời ca nhẹ nhàng, nhạc Trịnh xoa dịu nỗi đau, khích lệ mỗi người vượt lên nghịch cảnh, đưa con người xích lại gần nhau, vượt qua sự ngăn cách như có lần ông đã viết “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Âm nhạc Trịnh Công Sơn gần như đã trở thành cuốn cẩm nang văn hóa đối với người Việt, trong đó chứa đựng cách yêu, cách sống, cách ứng xử với quê hương - đất nước, với chiến tranh - hòa bình, cách đối mặt với cái chết… Và trong bất cứ tình huống nào, người nghe cũng được Trịnh gợi mở một cách ứng xử đầy tính nhân văn. Thế nên, nhạc Trịnh không chỉ là nhạc, mà còn là cả một di sản văn hóa quý báu đối với người Việt. Không có nhạc Trịnh, người Việt hôm nay vẫn sống nhưng sẽ nghèo đi rất nhiều về mặt tâm hồn, tư tưởng và cả ngôn từ. Từ trong chiến tranh đạn bom, Trịnh đã kêu gọi người Việt “từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay”, “Bắc - Trung - Nam tình nghĩa mặn nồng… Dựng mái nhà chung”. Và không chỉ “dựng lại nhà”, người nhạc sĩ tinh anh ấy còn thấy cần phải “dựng lại người”, xây đắp lại tình dân tộc Việt đã bị mất mát bởi chiến tranh. Phải là một người yêu quê hương, dân tộc hơn hết thảy mới có thể viết nên những ca khúc như thế.
“Thác là thể phách, còn là tinh anh”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đi xa nhưng tư tưởng nhân bản, tinh thần yêu hòa bình, tình yêu dân tộc của ông sẽ còn mãi với thời gian. “Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây”, Trịnh Công Sơn sẽ mãi trong lòng người yêu nhạc!
THÀNH NGUYỄN