Nhạc sĩ Hình Phước Long vừa được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với chùm ca khúc: Gần lắm Trường Sa, Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, Vầng trăng nơi đảo xa, Đêm xoang Tây Nguyên, Khánh Hòa một khúc ca.
Nhạc sĩ Hình Phước Long vừa được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với chùm ca khúc: Gần lắm Trường Sa, Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, Vầng trăng nơi đảo xa, Đêm xoang Tây Nguyên, Khánh Hòa một khúc ca. Chia sẻ về giải thưởng, nhạc sĩ cho biết: “Đây là thành quả của cả cuộc đời làm nghệ thuật của tôi, một vinh dự không dễ gì có được…”.
- Đâu là cảm xúc, hoàn cảnh để nhạc sĩ viết nên những ca khúc về Trường Sa làm lay động lòng người đến thế?
- Khoảng năm 1980, tôi vào Vùng D Hải quân dàn dựng chương trình nghệ thuật quần chúng. Gặp những người lính vừa từ đảo trở về, lân la hỏi chuyện tôi được biết thêm đời sống khó khăn của người lính ở quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nhất là nỗi nhớ mong thư nhà… Dịp đó, Bộ Tư lệnh Vùng D Hải quân có chiếu phim tài liệu Tổ quốc trên những vùng đảo nhỏ với những thước phim trắng đen khá đơn sơ nhưng rất xúc động. Tôi mang theo cảm xúc ấy suốt một thời gian dài. Năm 1982, tôi tham gia trại sáng tác âm nhạc do tỉnh Phú Khánh tổ chức. Một hôm, đi trên đường Trần Phú, tôi nhìn ra phía bờ biển thấy một cô gái ngồi trên ghế đá với mái tóc dài bay trong gió. Lúc đó tôi thầm nghĩ: nếu cô gái này có người yêu ở Trường Sa thì có nghe được tâm sự của người lính gửi về qua làn sóng hay không? Tự dưng trong tôi bật lên cái tứ: “Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”. Chiều hôm đó, tôi bắt xe đò về Ninh Hòa. Về đến nhà, khoảng 45 - 50 phút sau thì tôi viết xong bài Gần lắm Trường Sa. Ca khúc này được ca sĩ Anh Đào của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn đầu tiên.
Năm 1983, tỉnh cử đoàn công tác đi Trường Sa nhưng tôi không đi được vì đang bị bệnh. Anh Cung Giũ Phú (khi ấy là Giám đốc Ty Văn hóa - Thông tin) đến thăm tôi và bảo “cố gắng viết thêm bài gì đó về Trường Sa để ca sĩ Anh Đào biểu diễn, chứ có mỗi bài Gần lắm Trường Sa thì ít quá”. Tôi lật lại sổ tay, thoáng bắt gặp những tên đảo như: Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết… Dù chưa ra đảo, nhưng tôi nghe lính đảo kể rằng ở Trường Sa có cây phong ba có sức sống rất mãnh liệt, bất chấp nắng gió vẫn tươi xanh bảo vệ đảo. Tôi chọn Sinh Tồn với ý nghĩa là sự sống còn và cây phong ba làm “điểm tựa” để viết ca khúc Gặp anh trên đảo Sinh Tồn. Ca khúc này được ca sĩ Anh Đào diễn ở Trường Sa được mọi người khen ngợi.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi được đi Trường Sa năm 1984. Một đêm ở trên đảo An Bang trăng sáng vằng vặc... Vầng trăng ấy đã đọng lại trong ký ức, theo tôi về đất liền, nhưng mãi đến năm 1987 tôi mới viết được ca khúc Vầng trăng nơi đảo xa.
- Nhiều người biết Hình Phước Long là “nhạc sĩ của Trường Sa”, nhưng ít người biết ông còn có những sáng tác mang âm hưởng Tây Nguyên. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Nhạc sĩ Hình Phước Long sinh ngày 7-9-1950 tại xã Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa), hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2016, Huân chương Lao động hạng Ba… Các tác phẩm được giải: Gặp anh trên đảo Sinh Tồn - giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1984; Đêm xoang Tây Nguyên - giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 1990; Vầng trăng nơi đảo xa - giải nhất cuộc thi sáng tác về Trường Sa năm 1997 của Nhà Văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh; giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1997; Đêm mơ thành chim yến - giải khuyến khích Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2015… |
- Người yêu nhạc biết đến tôi nhiều là nhờ các ca khúc về biển đảo quê hương, nhưng thật ra tôi gắn bó với âm nhạc Tây Nguyên rất nhiều. Lúc còn công tác trong ngành văn hóa, mỗi năm tôi có 3 tháng đi điền dã, tìm hiểu về âm nhạc Tây Nguyên. Với tôi, âm nhạc Tây Nguyên đã thấm vào máu. Ca khúc Đêm xoang Tây Nguyên tôi viết mang âm hưởng điệu Ay ray (hát giao duyên) của người Ê-đê ở Phú Yên. Tôi có hơn 30 bài hát về Tây Nguyên nhưng chưa có điều kiện để dàn dựng. Sự nổi tiếng của một bài hát nào đó đôi khi còn nhờ sự may mắn.
- Vì đâu ca khúc“Khánh Hòa một khúc ca” lại mang âm hưởng ca trù, thưa nhạc sĩ?
- Bài này tôi viết theo “đặt hàng” của Sở Văn hóa - Thông tin Khánh Hòa nhân dịp kỷ niệm 350 năm Khánh Hòa năm 2003 nên ca từ gợi nên những trang sử hào hùng của xứ Trầm Hương. So với chiều dài lịch sử nước Việt, Khánh Hòa là một vùng đất mới, là nơi hội tụ của các di dân từ vùng Thanh - Nghệ Tĩnh, Thuận - Quảng… Vì thế, khi viết về Khánh Hòa tôi đã sử dụng những nét nhạc của ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) làm chính, pha thêm chút âm hưởng tuồng khu V.
- Nhạc sĩ nghĩ sao về chuyện “đặt hàng” trong việc sáng tạo nghệ thuật?
- Với tôi, “đặt hàng” trong sáng tạo nghệ thuật không có nghĩa gì xấu. Đừng nghĩ “đặt hàng” là sáng tác vì tiền, đôi khi đơn giản là một lời đề nghị, một sự “thách đố” của anh em cùng nghề. Nghệ sĩ đôi khi cũng phải tự “đặt hàng” cho mình để tạo động lực làm việc. Theo tôi, trong sáng tạo nghệ thuật tài năng là cái quyết định; còn việc “đặt hàng” chỉ là cái cớ, là động lực để làm việc. Hầu hết các ca khúc nổi tiếng của tôi đều là sáng tác được “đặt hàng”. Mới nhất, ca khúc Đêm mơ thành chim yến do ca sĩ Hương Tràm biểu diễn tại Festival Biển 2015, được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải khuyến khích năm 2015 là sáng tác theo “đặt hàng” của Công ty Yến sào Khánh Hòa.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ!
XUÂN THÀNH (Thực hiện)