Diên Khánh là vùng đất có lịch sử lâu đời. Người dân cũng có những nét văn hóa khá đặc trưng so với các địa phương khác trong tỉnh. Hiện nay, chính quyền địa phương đã đặt tên đường gắn liền với vùng đất, lịch sử như một cách gìn giữ nét văn hóa đặc trưng vùng miền…
Diên Khánh (Khánh Hòa) là vùng đất có lịch sử lâu đời. Người dân cũng có những nét văn hóa khá đặc trưng so với các địa phương khác trong tỉnh. Hiện nay, chính quyền địa phương đã đặt tên đường gắn liền với vùng đất, lịch sử như một cách gìn giữ nét văn hóa đặc trưng vùng miền…
Đi qua một số xã như: Diên An, Diên Phú, Diên Lâm, Diên Sơn, Diên Lạc, Diên Phước, Diên Thọ…, tại đầu các con đường đều có biển tên như ở đô thị. Điều thú vị, tên đường ở đây khá đặc biệt vì không có tên danh nhân hay sự kiện lịch sử, thay vào đó là những địa danh dân gian lâu đời phát sinh từ cuộc sống sinh hoạt của các thế hệ trên vùng đất họ sinh sống.
Khi hỏi về Hốc Củ Chi - tên con đường xuyên qua cánh đồng lúa mênh mông chạy ngoằn ngoèo đến chân núi, một cụ già giải thích: “Ngày xưa, sát núi là những rặng cây củ chi. Mỗi khi đi làm đồng hoặc đốn củi về, mọi người lại ngồi nghỉ bên những gốc củ chi già. Khu rừng này khá linh thiêng nên dân làng thường đặt lễ vật vào những hốc cây củ chi cổ thụ để khấn vái. Dần dần quen nên Hốc Củ Chi trở thành tên cho con đường đó...”. Con đường gần đó mang tên Bàn Cúng, cũng có xuất xứ tương tự.
Đi qua Tỉnh lộ 39 thuộc xã Diên Lâm, có thể bắt gặp những con đường nhỏ dẫn vào phía núi những cái tên gợi đến công việc đồng áng hay sơn tràng của người dân xưa như: Mía Mẫu, Đồng Láng, Đất Đồn, Gò Rọ, Gò Thổ, Cây Bứa, Đồng Cây Gạo, Cửa Truông…
Những đường nhỏ đi ra phía bờ sông Cái cũng có tên rất giàu hình ảnh. Một người dân ở đường Bến Lầu chỉ sang gộp đá nhấp nhô dưới lòng sông Cái, phía bờ bên kia thuộc xã Diên Thọ, giải thích: “Trước đây, người dân hai bên qua đò để sinh hoạt, giao thương, những tảng đá xếp chồng lên nhau như cái lầu kia trở thành tên cho bến. Từ khi có cây cầu bắc qua sông phía dưới hạ lưu và có phương tiện đi lại đầy đủ thì không ai qua đò nữa...”. Dòng sông Cái vẫn lặng lờ trôi, để lại những địa danh khác có lẽ cũng cùng chung xuất xứ như: Cồn Gáo, Bến Cừ, Bến Lầu, Gò Mặn, Bờ Sông, Bực Lở, Hóc Nhỏ, Bến Nhà trường, Soi Dầu… tạo nên nét rất riêng cho vùng đất phù sa màu mỡ và trù phú.
Qua cầu sang phía bờ nam sông Cái, tại xã Diên Lạc lại xuất hiện những tên đường mang đậm hình ảnh của dòng sông như: Bến Đò, Bến Cát, Bến Đồn…, hoặc tên những hồ nước ghi dấu của dòng sông trong quá trình bồi lấp như: Bàu Sen (Diên Lạc), Bàu Đế, Bàu Chanh, Bàu Gốc, Bàu Cỏ, Bàu Sen (xã Diên Phước). Diên Phước có đường Thành Hồ khá dài. Theo lời một cụ già thì đây là lối đi xưa bao quanh những hồ nước trong vùng. Hồ cạn, đường lớn dần và tên gọi vẫn giữ đến nay. Tên đường làng mang hình ảnh của địa hình khá nhiều và khá dung dị.
Cũng có những tên đường khá dị biệt so với gốc xuất xứ của nó. Chẳng hạn như đường Rọc Năng. Một lão nông ở Diên Phước cho biết, đúng tên của nó phải là Rộc Năng, bởi con đường trước đây đi qua một cánh đồng nước sâu (rộc). Còn đường Mã Rồng thì chẳng phải là ngựa rồng mà thật ra là Mã Rống, tức là… ngựa hí. Một cái tên nghe qua đã đủ hiểu vì sao lại vậy.
Cũng có những con đường được đặt tên theo mốc định vị đặc trưng, như: đường Cây Bàng, Cây Vông, Vườn Muồng, Cây Giáng Hương… (Diên Lạc); Cây Dầu (xã Diên An), Chợ Chiều, Gò Thập, Lầu Ông Huyện, Thông Tin (Diên An); Lò Rang, Lò Gạch Sơn Tây, Trụ Sở Cũ, Nhà Vuông, Lỗ Lầy (xã Diên Sơn). Mỗi cái tên đều gắn liền những giai đoạn lịch sử khá thú vị. Chẳng hạn như tên Thông tin. Trước đây, đầu đường này có một trạm nhỏ thông tin của chính quyền, còn Nhà Vuông là nơi làm việc của các thành viên chính quyền xã thời Pháp; Chợ Chiều là nơi một cái chợ nhỏ họp vào buổi chiều, hiện nay đã di dời; Lầu Ông Huyện vốn trước là nơi làm việc của quan phủ, sau đó trở thành trường học… Còn đường Lỗ Lầy thuộc xã Diên Sơn, cụ Chín Thấu (80 tuổi), lão nông ở vùng này cho biết, đây là lối đi đến một vùng trũng khoảng 200m2 ngập nước quanh năm, bùn (lầy) rất dày. Người dân sau khi may áo thường mang ra đây ngâm. Bùn ngấm vào vải rất bền, màu không phai. Tấm áo nông dân giản dị sẫm màu bùn đã đi theo những cư dân từ miền ngoài vô đây định cư trên đất Nha Trang.
Còn rất nhiều con đường nông thôn trên đất Diên Khánh mang những tên dân gian mộc mạc khác nữa. Thật thú vị khi những con đường trong thời kỳ nông thôn mới hiện nay lại hiện lên một phần văn hóa phong phú của vùng đất vừa quen, vừa lạ.
V.X.Q