Theo thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 31-12-2017 là thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Theo thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), ngày 31-12-2017 là thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để việc chuyển đổi từ tín hiệu truyền hình analog sang tín hiệu kỹ thuật số mà không làm xáo trộn việc xem truyền hình của người dân.
Hạn chế tối đa vùng lõm
UBND tỉnh vừa họp triển khai Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Đề án Số hóa truyền hình). Theo báo cáo của Sở TT-TT, cuối năm 2016, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ TT-TT lùi thời gian ngừng phát sóng truyền hình analog trên địa bàn tỉnh từ ngày 31-12-2016 đến hết năm 2018. Tuy nhiên, mới đây, Bộ TT-TT đã có văn bản thông báo kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam, trong đó quy định từ ngày 31-12-2017 phải ngừng phát sóng truyền hình analog trên địa bàn tỉnh. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) được chỉ định có nhiệm vụ triển khai phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thời gian tới, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa chủ trì làm việc với VTV về cung cấp hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phát sóng có độ phủ rộng, chất lượng tín hiệu đạt chuẩn.
Ti vi thế hệ mới phần lớn đều có tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 điểm thu sóng truyền hình không tốt, sóng yếu, bị bóng nhiều hoặc không thu được do ở vùng lõm bị núi che khuất, đặc biệt huyện Khánh Vĩnh có đến 7/14 xã không thu được. Tại cuộc họp, Sở TT-TT đề xuất sau khi VTV triển khai toàn bộ hạ tầng truyền dẫn phát sóng trên địa bàn tỉnh sẽ khảo sát vùng lõm, nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng tín hiệu không ổn định. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TT-TT phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa khảo sát vùng lõm trước khi triển khai đề án, để hạn chế tối đa các vùng lõm.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Các ngành và địa phương cần chuẩn bị tích cực để việc triển khai Đề án Số hóa truyền hình diễn ra thuận lợi, không làm xáo trộn việc xem truyền hình của người dân. Khi triển khai dự án sẽ hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo theo danh sách đã đề nghị năm 2016, nếu có phát sinh sẽ bổ sung sau. |
Theo khảo sát của Sở TT-TT, đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 243.576 hộ gia đình có máy thu hình, trong đó có 82.384 (33,8%) hộ sử dụng anten, chảo để thu tín hiệu truyền hình vệ tinh; 103.197 (42,4%) hộ sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền. Nếu chuyển sang phát sóng truyền hình số, toàn tỉnh sẽ có ít nhất 57.995 hộ gia đình (23,8%) bị ảnh hưởng, trong đó có 29.165 hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện được hỗ trợ đầu thu truyền hình số từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Như vậy, khi thực hiện Đề án Số hóa truyền hình, toàn tỉnh sẽ có 28.830 hộ gia đình phải tự thực hiện chuyển đổi phương thức thu truyền hình (mua đầu thu truyền hình số mặt đất hoặc ti vi có tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất).
Cùng với công tác triển khai hạ tầng kỹ thuật để thực hiện đề án, vấn đề đặt ra hiện nay là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chuẩn bị cho việc chuyển đổi, đồng thời các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị một lượng đầu thu để bán cho người dân. Theo lãnh đạo Sở TT-TT, trong năm 2016, sở đã sao và cấp phát 149 đĩa CD tuyên truyền về đề án này cho đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã thực hiện tuyên truyền; hỗ trợ chi phí phát lại nội dung tuyên truyền về số hóa truyền hình cho các đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện. Bên cạnh đó, sở cũng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc sao, gửi tài liệu tuyên truyền về số hóa truyền hình năm 2016 đến 282.986 hộ trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền về số hóa truyền hình. “Chúng tôi đã làm việc với 3 nhà mạng Mobifone, Viettel, Vinaphone để thực hiện việc nhắn tin thông báo cho khách hàng về thời điểm ngừng phát sóng truyền hình analog với tần suất 1 lần/tháng từ tháng 4, đến tháng 10 sẽ nâng tần suất lên 2 lần/tháng”, ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở TT-TT cho biết.
Bên cạnh đó, Sở TT-TT sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao triển khai các đợt tuyên truyền lưu động về số hóa truyền hình đến các địa bàn người dân khó tiếp cận phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường kiểm tra các đơn vị kinh doanh đầu thu truyền hình số và máy thu hình tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số trên địa bàn tỉnh. Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa và các đài phát thanh huyện sẽ phát các video clip, audio clip về số hóa truyền hình với tần suất 1 ngày/tuần.
XUÂN THÀNH