11:03, 10/03/2017

Nhớ người thầy đầu tiên

Truyền hình Việt Nam ra đời trong những ngày chiến tranh ác liệt thời chống Mỹ (năm 1967). Là lứa quay phim đầu tiên của Truyền hình Việt Nam, Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn Phạm Việt Tùng nhớ lại kỷ niệm về một trong những người thầy đầu tiên…

L.T.S: Truyền hình Việt Nam ra đời trong những ngày chiến tranh ác liệt thời chống Mỹ (năm 1967). Là lứa quay phim đầu tiên của Truyền hình Việt Nam, Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn Phạm Việt Tùng nhớ lại kỷ niệm về một trong những người thầy đầu tiên…


Chuyện là, trong một cuộc họp với lãnh đạo ngành Tuyên giáo Trung ương, Bác Hồ đã hỏi: “Các chú có biết Sài Gòn đã phát truyền hình chưa? Họ phát sóng trên trực thăng mỗi ngày để truyền đi các nơi. Còn ta các chú định thế nào?”. Dự cuộc họp khi ấy có các ông: Tố Hữu, Hoàng Tùng - Phó Ban Tuyên giáo, Nguyễn Minh Vỹ - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thông tin và đại diện ngành điện ảnh, đài phát thanh... Lúc đó, nước ta chưa ai biết truyền hình là gì nên chưa ai dám hứa với Bác có làm được không. Tuy nhiên, ông Lưu Quý Kỳ - một nhà báo giỏi về tuyên truyền đối ngoại cùng một số đồng chí khác như: Lê Xuân Đồng, Xích Điểu… đều thể hiện quyết tâm làm truyền hình. Cuối cùng, có 3 cơ quan gồm: Điện ảnh, Đài phát thanh, Tổng cục Thông tin xin nhận làm theo đề xuất của Bác Hồ. Bác giao việc xây dựng truyền hình trước mắt là làm phim ngắn gởi bạn bè quốc tế, giúp thế giới hiểu biết về Việt Nam, ủng hộ Việt Nam. Công tác đối ngoại lúc này là trọng tâm. Bài học đầu tiên của truyền hình Việt Nam là đối ngoại.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Lưu Quý Kỳ. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Lưu Quý Kỳ. (Ảnh tư liệu)


Các ông: Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Minh Vỹ, Lê Xuân Đồng, Hoàng Tuấn (Tổng cục phó Tổng cục Thông tin Việt Nam) là những người thầy lên lớp giảng cho chúng tôi tại nơi sơ tán ở Hà Tây - Đan Phượng năm 1967. Lớp học viên ban đầu có hơn 10 người. Lớp học khai mạc ngay tại sân kho hợp tác xã Đan Phượng, ghế ngồi là mấy nắm rơm kê lên và vài cái ghế đun bếp của chủ nhà nơi sơ tán.


Buổi học đầu tiên, ông Lưu Quý Kỳ giảng dạy với thái độ rất nghiêm túc. Vấn đề mà ông giảng thường rất mạch lạc và được giải thích đến nơi đến chốn. Ông nêu lên quan điểm làm báo của tư bản lúc này là đánh lạc hướng dư luận thế giới để người ta hiểu sai về cuộc chiến tranh của chúng chống Việt Nam. Còn chúng ta tố cáo tội ác của Mỹ nhưng phải nghiên cứu lúc này thế giới quan tâm điều gì; làm sao nhân dân Mỹ và thế giới thấy chúng ta là người yêu chuộng hòa bình. Cần lưu ý thêm: có những việc chúng ta cần đưa tin nhanh, sớm 1 giờ thì giá trị rất lớn, nhưng ngược lại đưa vội vàng mà không tính toán hợp lý, có lợi cho ta thì đưa tin chậm lại có khi tác dụng lớn hơn. Ông nói với học viên luôn phải tìm các thuật ngữ mới, bút pháp phải điêu luyện thì mới thành công; làm tuyên truyền đối ngoại mà không cân nhắc kỹ là dễ hỏng.

 

Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn Phạm Việt Tùng
Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn Phạm Việt Tùng


Riêng đối với tôi, thấy tôi nhiệt tình và ham học hỏi nên ông rất gần gũi. Ông thường dặn tôi, phim truyền hình là một bộ phận trong cách mạng vô sản, nó là công cụ để đấu tranh giai cấp, chấp hành nhiệm vụ của Đảng giao cho giống như quân đội, tòa án. Báo chí cũng là công cụ đánh mạnh vào kẻ thù, văn học nghệ thuật là một bánh xe hay một đinh ốc trong toàn bộ máy sự nghiệp cách mạng. Người làm báo truyền hình cũng có trách nhiệm với dân, với nước, với kháng chiến, với công nông binh…, vì thế không thể đứng ngoài mà phải đứng trong mặt trận chính trị. Ông cũng căn dặn tôi cần phải có nhìn sắc sảo để chọn lựa góc độ sao cho hình ảnh đáp ứng được yêu cầu nội dung. Tôi vô cùng biết ơn ông đã giúp đỡ tôi, cho tôi có một nhận thức về thế giới quan chính trị để cầm máy quay phim phục vụ Đảng và nhân dân.


Truyền hình đã qua nửa thế kỷ, những thế hệ chúng tôi đã lớn theo cách mạng, theo đất nước. Hôm nay, cá nhân tôi được phong Nghệ sĩ Ưu tú, được nhận giải thưởng Nhà nước về điện ảnh, truyền hình, đó là thành quả từ những lời giảng dạy của ông, người thầy, người đồng nghiệp kính mến - Lưu Quý Kỳ.


PHẠM VIỆT TÙNG