05:03, 11/03/2017

Nhạc sĩ Trương Quý Hải: "Về đây đồng đội ơi!"

Mùa hè tháng 7-2014, tại nghĩa trang liệt sĩ ở Vị Xuyên, Hà Giang có một đoàn người lính khiêng một cây hương ngút ngàn khói lên đỉnh núi giữa bạt ngàn những ngôi mộ trắng xóa. Họ cúi xuống run rẩy thắp từng cây hương mỏng manh lên các ngôi mộ…

Mùa hè tháng 7-2014, tại nghĩa trang liệt sĩ ở Vị Xuyên, Hà Giang có một đoàn người lính khiêng một cây hương ngút ngàn khói lên đỉnh núi giữa bạt ngàn những ngôi mộ trắng xóa. Họ cúi xuống run rẩy thắp từng cây hương mỏng manh lên các ngôi mộ… Rồi họ đứng lại, cùng nhau hát theo nhịp một người ôm cây ghi-ta hát “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn. Hà Giang đã ngưng chiến trận. Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn. Đài hương 468 (bốn sáu tám) ta hội quân”. Tất cả đều hát trong tiếng khóc, giữa cơn mưa hạ miền biên cương tuôn rơi. Người lính ôm đàn đó chính là nhạc sĩ - chiến binh Sư đoàn 356 năm xưa: Trương Quý Hải.

 

Nhạc sỹ Trương Quý Hải (bên phải) tưởng nhớ đồng đội  ở nghĩa trang Vị Xuyên- Hà Giang
Nhạc sỹ Trương Quý Hải (bên phải) tưởng nhớ đồng đội ở nghĩa trang Vị Xuyên- Hà Giang


Có thể hơi ngỡ ngàng về Trương Quý Hải, tác giả của những ca khúc nổi tiếng thập niên 1990: “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, “Khoảnh khắc”, “Tự khúc ngày sinh”… sau bao năm im hơi lặng tiếng trở lại với công chúng bằng hình ảnh người đàn ông đầy khắc khổ, mặc áo lính cùng những ca khúc về mặt trận biên giới Vị Xuyên năm xưa làm rơi nước mắt tất cả người lính hát và nghe “Về đây đồng động ơi” của mình. Anh đã thực sự chuyển hẳn từ một nhạc sĩ lãng mạn thành nhạc sĩ của thời cuộc mà nói như anh là Tổ quốc và con người Việt Nam.


Trương Quý Hải kể lại rằng, anh có vốn kiến thức nhạc là nhờ ơn Giáo sư Tôn Thất Tùng. Chuyện là mẹ anh là nhân viên của Giáo sư Tùng. Vị giáo sư đáng kính nổi tiếng về ngoại khoa Việt Nam và thế giới lại rất yêu nhạc. Ông yêu cầu các nhân viên của mình phải cho con đi học nhạc, chơi nhạc. Vì thế, Trương Quý Hải phải đi học violon, mặc dù không thích, càng không say mê gì cả. Nhưng chính những kiến thức âm nhạc đó đã là nghiệp cho anh sau này.


Vốn thích lãng tử để đi đây đi đó, nên sau khi học phổ thông, Trương Quý Hải thi vào Đại học Mỏ - Địa chất chỉ với mục đích xa nhà rồi sau này được đi tới các miền đất! Nhưng chẳng dè khi Hải là sinh viên thì cũng là lúc trường chuyển từ Thái Nguyên về Hà Nội! Chán, anh xung phong đi bộ đội lên biên giới chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chính nơi đây, giữa mặt trận Vị Xuyên, chàng lính văn nghệ của Sư đoàn 356 đã sáng tác bài hát đầu tiên về đồng đội mình. Cũng tại đây, năm 1984 xảy ra những trận chiến ác liệt ở các cao điểm: 486, 1509, 772,  685…, có những trận pháo kích, tên lửa của quân thù đã làm hàng nghìn chiến sĩ ta hy sinh. Đó chính là hình ảnh bi tráng mà Trương Quý Hải tận mắt chứng kiến đeo đuổi anh tới tận hôm nay.


Trở lại làm sinh viên, rồi cán bộ Đoàn, tuổi trẻ hồn nhiên, sôi nổi đã làm nên một Trương Quý Hải lãng mạn với những ca khúc tài hoa cho giới trẻ: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa. Cái rét đầu đông khăn tay em bay hiu hiu gió lạnh. Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp. Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về”. (Hà Nội mùa vắng những cơn mưa - thơ Bùi Thanh Tuấn). Bài hát như một bức tranh tuyệt đẹp nhất của Hà Nội khi chuyển mùa, nằm trong top ca khúc hay nhất về Hà Nội. Tới bài Khoảnh khắc thì đúng là nhạc sĩ tình ca xuất chúng: “Người về đây với anh, về bên anh về đây với căn nhà xưa êm đềm. Vòng tay và làn môi ấm ngày tháng chờ mong”. Lời ca tự tình đằm thắm thiết tha làm người nghe thực sự thổn thức.


Tưởng rằng sau thành công về sáng tác nhạc trẻ, Trương Quý Hải tiếp tục thăng tiến trên con đường nghệ thuật thì anh rời Thành đoàn Hà Nội sau gần 10 năm công tác và gia nhập Tập đoàn FPT làm công tác văn thể. Đó chính là giai đoạn Trương Quý Hải chuyển mình sang hẳn một phong cách khác. Với con người bước sang giai đoạn trung niên (anh sinh năm 1963), ký ức chiến tranh ùa về làm trái tim người nhạc sĩ quặn đau đầy thổn thức. Anh tập trung sáng tác những đề tài lớn như: Trường ca Việt Nam, Bài ca không quên, Biển Việt Nam…


“Về đây đồng đội tôi” được Trương Quý Hải sáng tác trong một lần cùng đồng đội trở lại mặt trận Vị Xuyên xây đài tưởng niệm ở cao điểm 468. Ca khúc anh sáng tác chỉ trong một ngày, khi hát cho mọi người ai cũng nghẹn ngào. Không chỉ vang trên nghĩa trang Vị Xuyên, bài bát này được biểu diễn trong Phủ Chủ tịch trong dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp cựu binh Sư đoàn 356 bảo vệ biên giới năm xưa, và rất nhiều nơi. Chỉ có điều phần biểu diễn ấy không do ca sĩ chuyên nghiệp mà phải chính nhạc sĩ và đồng đội thể hiện mới truyền cảm hết cảm xúc của bài hát đặc biệt này - bởi đó là trái tim người chiến sĩ hát.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG