11:03, 17/03/2017

Người khơi nguồn sân khấu học dân tộc

Nhà nghiên cứu sân khấu Mịch Quang vừa được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với 2 tác phẩm: Đặc trưng nghệ thuật tuồng và Khơi nguồn mỹ học dân tộc. Đây là sự vinh danh dành cho một trong những cây đại thụ của ngành sân khấu học Việt Nam.

Nhà nghiên cứu sân khấu Mịch Quang vừa được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (VHNT) với 2 tác phẩm: Đặc trưng nghệ thuật tuồng và Khơi nguồn mỹ học dân tộc. Đây là sự vinh danh dành cho một trong những cây đại thụ của ngành sân khấu học Việt Nam.


Tin nhà nghiên cứu sân khấu Mịch Quang được vinh danh đã khiến giới văn nghệ sĩ ở Khánh Hòa không khỏi vui mừng và tự hào. Nhà viết kịch Nguyễn Sĩ Chức - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh bày tỏ: “Nhà nghiên cứu Mịch Quang viết 2 công trình nghiên cứu này ở Khánh Hòa, nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT và Huân chương Lao động hạng Nhất khi sống ở đây. Hiện tại, dù sống ở Hà Nội nhưng ông vẫn là hội viên của Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa”.


Nhắc đến nhà nghiên cứu Mịch Quang (tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh năm 1917), giới sân khấu nhớ đến một người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống (NTTT) dân tộc mà như GS.TS Nguyễn Thuyết Phong (Viện Đại học Kent, Hoa Kỳ) gọi là “một bản giao hưởng dân tộc tuyệt vời”. Sinh ra ở Bình Định - vùng đất nổi tiếng về văn thơ và nghệ thuật tuồng, từ nhỏ cậu bé Khoán đã được ông cụ thân sinh là một nhà Nho giảng giải về cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng. Mê tuồng, hiểu tuồng nhưng ông không học làm diễn viên, vì gia đình muốn ông trở thành một trí thức tương lai. Dẫu vậy, niềm đam mê nghệ thuật tuồng không hề nhạt phai mà ngày càng ăn sâu vào máu thịt ông. Những năm đi học, rồi làm việc ở Quy Nhơn, Huế, Sài Gòn, Ninh Hòa - Khánh Hòa, có dịp tiếp xúc và tìm hiểu về cải lương, bài chòi, ca Huế… ông càng thêm yêu mến NTTT nước nhà. Tập kết ra Bắc, năm 1959, ông được điều về làm việc tại Ban Nghiên cứu tuồng của Bộ Văn hóa, sống cùng những nghệ sĩ tài năng như: Phạm Phú Tiết, Tống Phước Phổ, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Mười Chương… Từ đây, ông đã học tập được nhiều điều về nghệ thuật tuồng, để rồi từ đó bắt đầu nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về tuồng cũng như sân khấu truyền thống của dân tộc.


Năm 1963, nhà nghiên cứu Mịch Quang cho ra đời công trình Tìm hiểu nghệ thuật tuồng (Nhà Xuất bản Văn hóa) - công trình nghiên cứu lý luận đầu tiên về tuồng dưới chế độ XHCN. Công trình đã gây được tiếng vang lớn. Thời ấy, Giáo sư Trần Văn Khê (ở Pháp), nhạc sĩ Phạm Duy ở miền Nam… đều có đọc và trích dẫn nhiều ý kiến, nhận định của nhà nghiên cứu Mịch Quang trong những công trình của mình. Cùng thời gian này, ông giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn trên tạp chí Văn nghệ với bài viết: Đào Tấn - nhà viết tuồng kiệt xuất.

 

 

Sau khi nghỉ hưu năm 1979, ông đã về sống ở Nha Trang tập trung nghiên cứu, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị: Đặc trưng nghệ thuật tuồng (năm 1988), Âm nhạc và kịch hát dân tộc (1995), Kinh dịch và NTTT (1999), Khơi nguồn mỹ học dân tộc (2003). Ông được xem là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống Việt Nam. Điều mà giới nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá cao là ông đã vận dụng phép biện chứng vào việc khảo sát, đánh giá các hiện tượng nghệ thuật. Từ đó, ông tự tin nêu nhiều luận điểm độc đáo, tranh luận với các đồng nghiệp về nhiều hiện tượng văn hóa, nghệ thuật của dân tộc như tính đa chiều của bộ môn tuồng, chức năng của hát ru…


Không chỉ đi sâu nghiên cứu về tuồng, tác giả Mịch Quang còn viết kịch bản tuồng. Từ vở tuồng đầu tay Đường về Lam Sơn viết dựng cho đội tuồng thuộc Phân hội Văn nghệ Bình Định dàn dựng trong những năm kháng chiến chống Pháp, đến nay ông đã có hơn 20 tác phẩm được các đơn vị sân khấu trong nước dàn dựng và biểu diễn. Các vở tuồng: Má Tám, Phất cờ nương tử, Vua Hùng kén rể, Giấc mộng hồ hoa, Quang Trung, Thanh gươm hát bội, Bà mẹ làng Sen… được đánh giá cao tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; được khán giả hâm mộ tuồng cả nước yêu thích. Am hiểu thơ văn truyền thống của dân tộc cũng như thơ Đường Trung Quốc, các kịch bản tuồng của ông luôn đậm tính văn học và trí tuệ. Đơn cử như vở tuồng Thanh gươm hát bội viết về Đào Tấn do NSND Hoàng Chương dàn dựng cho Nhà hát Tuồng Khánh Hòa đã thành công vang dội tại Hội thảo khoa học lần thứ 3 về Đào Tấn năm 1987 tại Quy Nhơn - Bình Định. Tại Hội diễn sân khấu truyền thống năm 1990 ở Nha Trang, vở tuồng này đã giành được 4 huy chương vàng, 2 huy chương bạc.


Nhà nghiên cứu Mịch Quang được nhiều người kính trọng không chỉ vì có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, mà còn bởi ở ông luôn có tính khiêm tốn, ham học hỏi và giàu nhiệt huyết với NTTT dân tộc. “Hình ảnh một Mịch Quang cầm chầu ở Nha Trang làm tôi nhớ mãi và thấy thương quá. Ông chỉ đạo nghệ thuật cho giới trẻ. Ông hăng hái đưa tôi đến với nghệ sĩ, nhạc công quen biết để tìm hiểu, sưu tầm… Chúng tôi chia sẻ với nhau rất nhiều điều, và tôi đã học được từ ông không ít kiến thức, kinh nghiệm hay...”, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong hồi tưởng trong bài viết về nhà nghiên cứu Mịch Quang.


XUÂN THÀNH